Khu danh thắng quốc gia Kim Sơn được ví như Tràng An thu nhỏ của Thanh Hoá bởi có khung cảnh, non nước hữu tình, giao hoà; là nơi thu hút khách du lịch thập phương, đặc biệt còn đang bảo tồn được loài khỉ lông vàng với số lượng lớn.
|
|
Danh thắng quốc gia Kim Sơn được ví như “Tràng An thu nhỏ” của Thanh Hoá. |
Chùa Linh Ứng nằm trong quần thể khu danh thắng Kim Sơn, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 40 km. Chùa không rõ chính xác được xây dựng từ thời nào, nhưng còn tấm bia khắc vào vách đá ghi trùng tu thời vua Bảo Đại, đến năm 2006 được khôi phục lại trên nền móng cũ. Ngôi chùa nằm tại vị trí đẹp, lưng chùa tựa vào vách núi, mặt nhìn ra đầm hoa súng rộng lớn và thoáng đãng; xung quanh bao bọc bởi các dãy núi đá hùng vĩ.
Trong suốt 15 năm qua, ngôi chùa Linh Ứng đã trở thành nơi "cưu mang" hàng trăm con khỉ sống nơi vách đá. Bởi mỗi khi về chùa, đàn khỉ được Đại đức Thích Tĩnh Hải trụ trì chùa Linh Ứng mang ngô, lúa ra "chiêu đãi".
|
|
Có những lúc hàng trăm con khỉ lông vàng về chùa xin thức ăn. |
Theo Đại đức Thích Tĩnh Hải, ông được bổ nhiệm về làm trụ trì ở chùa Linh Ứng từ năm 2009. Ngày ông mới về, ngôi chùa còn rất hoang sơ. Ông đã thấy những đàn khỉ hoang về các núi đá ở gần chùa và xuống sân nhà chùa, lúc đó chỉ tầm vài chục con. Thời gian đầu, khi khỉ xuống, ông đã lấy đồ cho chúng ăn. Ban đầu, chúng rất sợ người, dần dần đàn khỉ quen người và thường xuyên về chùa hơn. Đến nay, có những hôm số lượng khỉ rủ nhau về chùa lên tới hơn 100 con.
Đàn khỉ cứ về lúc nào là ông lại cho ăn lúc đó. Đây là đàn khỉ hoang, lại có số lượng lớn nên việc nhà chùa cho ăn những năm qua cũng chưa thể thuần hóa được chúng. Khỉ vẫn sợ khi có người lại gần, chính vì vậy vẫn có lúc đàn khỉ xuống chùa phá phách đồ thờ cúng.
Để có thức ăn nuôi khỉ trong những năm qua, thầy Hải đã huy động các phật tử đóng góp. Thầy kể, nhiều phật tử đến chùa phóng sinh. Bản thân thầy nhận thấy việc phóng sinh có nhiều vấn đề nên đã phân tích thay vì mua các loại con vật để phóng sinh thì nên hỗ trợ mua ngô, lúa cho khỉ ăn thì sẽ thiết thực hơn.
Bà Hà Thị Nhàn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, người trông coi chùa Linh Ứng cho biết, thông thường vào mùa Đông, khỉ xuống ăn đúng giờ (khoảng từ 7h đến 8h). Mùa hè, trên núi có nhiều loại quả nên chúng về thất thường, không theo giờ cố định. Hàng ngày, bà cùng sư thầy chuẩn bị đồ ăn cho đàn khỉ trong núi.
|
|
Các cá thể khỉ được nhà chùa "cưu mang" hơn một thập kỷ qua. |
Theo người dân địa phương, trước đây khu vực núi đá này có rất nhiều khỉ sinh sống. Song do tình trạng khai thác đá và săn bắt động vật hoang dã nên đã có lúc số lượng khỉ giảm sút. Sau khi khu danh thắng Kim Sơn được thành lập, việc bảo tồn cảnh quan, môi trường được các cơ quan chức năng ưu tiên nên số lượng khỉ tăng lên.
Hiện nay, du khách đi thuyền dọc suối Ấu quanh khu danh thắng Kim Sơn vẫn có thể nhìn thấy đàn khỉ leo trèo ở các dãy núi đá của khu danh thắng. Do được bảo vệ, nên hiện nay số lượng khỉ lông vàng tại khu danh thắng Kim Sơn, huyện Vĩnh Lộc có khoảng 200 con. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã được cả người dân và chính quyền địa phương xác định là cách làm du lịch bền vững.
Đại đức Thích Tĩnh Hải thông tin thêm: Thời gian đầu, đàn khỉ về không nhiều. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi các dãy núi xung quanh chùa được cấp phép khai thác mỏ đá, cách chùa bán kính khoảng 1km, cũng là lúc bầy khỉ đến gần với chùa Linh Ứng hơn với lý do nơi sinh sống bị hẹp lại, cộng với tiếng nổ mìn ngày 2 đến 3 lần nên đàn khỉ sợ tìm về chùa để trú ngụ, sinh tồn. Ông Hải đã chứng kiến cảnh hàng chục con chạy tán loạn mỗi khi có tiếng nổ mìn, nhìn cảnh tượng ấy nhiều người đến chùa không khỏi thương xót.
|
|
Du khách về tham quan khu danh thắng Kim Sơn rất thích được ngắm những con khỉ hoang đùa nghịch trên vách núi, cành cây. |
"Du khách về tham quan khu danh thắng Kim Sơn rất thích được ngắm những con khỉ hoang đùa nghịch trên vách núi, cành cây. Đây cũng là điểm nhấn để phát triển du lịch ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền cần hạn chế tối đa việc cho khai thác các mỏ đá; đông thời phải có biện pháp chung tay bảo vệ đàn khỉ." Thầy Hải đề nghị.
Đàn khỉ đã để lại ấn tượng trong lòng mỗi du khách khi về tham quan khu danh thắng Kim Sơn. Bà Đỗ Thị Hà, thôn Bèo xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: Vào những ngày tuần như rằm, mùng một, tôi thường cùng bản hội đến chùa Linh Ứng để thắp hương, vãn cảnh. Chúng tôi rất thích được ngắm đàn khỉ ở đây, nhất là khi ném thóc, ngô cho chúng ăn.
|
|
Du khách đi thuyền dọc suối Ấu quanh khu danh thắng Kim Sơn vẫn có thể nhìn thấy đàn khỉ leo trèo ở các dãy núi đá. |
Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đàn khỉ này đã có lâu rồi, nhưng loại gì, tên khoa học ra sao thì chưa có dự án điều tra nên chưa thể biết được. Tuy nhiên, dù là loại khỉ gì thì cũng cần phải bảo vệ, bảo tồn.
Đến giờ phút này thì đàn khỉ cũng chưa có hoạt động gì gây ảnh hưởng gì đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Việc chúng đang sinh sống ở môi trường thiên nhiên, hệ sinh thái giữa động vật thực vật là rất tốt, góp phần phát triển cho khu danh thắng quốc gia.
"Chúng tôi cũng đã lên khu danh thắng Kim Sơn nhiều lần. Do người dân không săn bắn, bẫy bắt nên đàn khỉ phát triển khá nhanh về số lượng, hiện tại đã lên tới vài trăm con. Chúng nằm rải rác trên khu vực núi đá. Về phía Kiểm lâm, chúng tôi có hai biện pháp nhằm bảo vệ đàn khỉ. Trước hết và quan trọng nhất là việc tuyên truyền rộng rãi tới bà con trên báo đài, về công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như săn bắn. Thứ hai là, chúng tôi có cài cắm thông tin, đặc biệt từ người dân; nếu như có đối tượng săn bắn, đánh bắt sẽ phải xử lý ngay theo quy định.", ông Vân nhấn mạnh.