Bản tin của Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng chống thiên tai trung ương cho biết, lúc 8 giờ sáng ngày 14/11 vị trí tâm bão số 13 cách Đà Nẵng khoảng 322 km, Thừa Thiên Huế khoảng 416 km, Quảng Trị khoảng 467 km. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20km/h. Trong 24 giờ tới, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền các tỉnh miền Trung nước ta. Để ứng phó với bão số 13, các tỉnh miền Trung đã lên phương án di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

leftcenterrightdel
 Đợt mưa lũ trong tháng 10 vừa qua đã khiến nhiều tỉnh tại miền Trung chìm trong biển nước

Tại tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh vừa ban hành công điện ứng phó bão. Hiện ở tuyến biển tỉnh này có 3.033 tàu bè đã đưa vào khu neo đậu và 15 tàu đang neo đậu ở khu vực Trường Sa, nhìn chung an toàn. Dự kiến tỉnh Quảng Nam sẽ sơ tán 161.000 hộ dân ven biển. Đối với khu vực miền núi có khả năng sạt lở lớn, tỉnh đã lên kế hoạch dự kiến sơ tán 10.000 hộ dân ở 93 điểm có nguy cơ cao. 

UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo mới. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại TP Đà Nẵng nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Tại tỉnh Quảng Bình, người dân đã triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa. Nhiều người dân ở khu vực trũng thấp, được coi là “rốn lũ” như huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh cũng được sơ tán đến nơi an toàn. Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã duy trì nghiêm kíp trực, thường trực 150 cán bộ, chiến sĩ/8 phương tiện, sẵn sàng tham gia ứng phó với bão và tìm kiếm cứu nạn.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã xây dựng kịch bản ứng phó với lượng mưa do hoàn lưu sau bão là 200-300 mm, chú trọng việc vận hành các hồ chứa, sơ tán hơn 19.000 hộ trước khi bão số 13 dự kiến đổ bộ vào đất liền. Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời các hộ vùng thấp trũng, ngập lụt lâu ngày, nhà cấp 4 đến vị trí an toàn; triển khai bắn pháo hiệu báo bão theo quy định của Chính phủ. 2.062 phương tiện/11.350 lao động của tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào neo đậu tại bờ và không có phương tiện của địa phương hoạt động trên biển.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương đã rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn. Mặt khác, lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi khi thời tiết chưa an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có bão, lũ lớn. Đối với các vùng dễ bị ngập lụt cô lập, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ các phương án sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh duy trì 100% quân số, chuẩn bị tốt về mọi mặt từ lương thực, thực phẩm đến các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền trong âu thuyền Thọ Quang vào tránh trú bão. Ảnh: Trúc Hà

Tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông báo kịp thời cho nhân dân biết để chủ động ứng phó. Tổ chức kiên cố, chằng chống nhà cửa, mái nhà, chằng chống cây xanh theo phân cấp quản lý. Tổ chức neo đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, nghiêm cấm không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai xảy ra, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống,... dài ngày và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Tại Quảng Trị, dự kiến địa phương sẽ tiến hành di dời hơn 6.355 hộ với gần 17.840 người nếu bão không đổ bộ trực tiếp; trường hợp bão trực tiếp đổ bộ sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã miền núi.

Quảng Nam hai mẹ con bị lũ cuốn trôi, người mẹ tử vong:

Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 13/11, chị Huỳnh Thị Ánh Nga (29 tuổi, ở thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước) chở con trai là Trần Anh Sáng (9 tuổi) trên xe đạp điện về nhà ông bà, ngoại. Khi qua khu vực Cống Thành (thôn Hà Nhuận, xã Duy Phước) thì không may bị dòng nước cuốn trôi. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân gần đó đã chạy tới cứu vớt được hai mẹ con đưa lên bờ, nhưng chị Nga đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Riêng cháu Sáng được cứu sống, hiện sức khỏe đã ổn định.

Xuân Nha