Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lý Văn Đẹp - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Triển khai Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được các đơn vị, địa phương quan tâm đã mang lại lợi ích thiết thực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: STTT) |
Cụ thể, năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Bình Dương đạt 87,87/100 điểm, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố; đứng đầu khu vực Đông Nam bộ. Đến nay, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 03 cấp chính quyền được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, cấp xã. Các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ và đúng quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC. Đến 30/6/2022, 100% đơn vị hành chính cấp huyện đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Trên Cổng Dịch vụ công (DVC) tỉnh, đến ngày 06/9/2022 đã triển khai được 1.159 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 của cấp tỉnh, huyện, xã đạt 60,59% (trong đó có 1.015 DVCTT mức độ 4 và 144 DVCTT mức độ 3), 100% DVCTT đã được xây dựng mẫu điện tử Eform. Số lượng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến là 545 hồ sơ.
Công tác chuyển đổi số được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022. Nhiều cơ quan, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch, đề án Chuyển đổi số chuyên ngành như: Giáo dục, Y tế, Nội vụ, Nông nghiệp, Công Thương… Tỉnh đã tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã khảo sát hiện trạng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu, tích hợp các phân hệ phần mềm và loại dữ liệu hiện đang quản lý để xây dựng các chỉ số hiển thị theo 14 lĩnh vực dự kiến thực hiện thí điểm đấu nối vào Trung tâm IOC.
|
|
Lãnh đạo Trung tâm Hành chính công tỉnh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: STTT). |
Các ứng dụng công nghệ thông tin đã được quan tâm, liên tục đầu tư và cải tiến, nhằm tạo ra nhiều phương tiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền ngày càng tốt hơn; giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi kiểm tra, Đoàn công tác đánh giá Bình Dương là một trong những tỉnh, thành có cơ sở hạ tầng phục công tác cải cách hành chính rất tốt. Tuy nhiên tỉnh cần chú trọng đến tỷ lệ số hóa và kết nối các dữ liệu. Mặc dù Trung ương chưa có hướng dẫn về hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công nhưng Bình Dương đã tiên phong và triển khai có hiệu quả mô hình này…
Đại diện các sở, ngành cũng đã giải đáp cụ thể những nội dung mà Đoàn đặt ra. Đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, Bình Dương có số dân đứng thứ 6 cả nước, phát triển kinh tế nằm trong TOP 3 của cả nước nhưng số biên chế lại xếp thứ 56; đều này gây áp lực rất lớn lên cán bộ, công chức, viên chức. Trung bình mỗi năm một công chức cấp tỉnh phải giải quyết 4.000 hồ sơ TTHC, cấp xã 4.500 hồ sơ, cấp huyện 8.000 hồ sơ. Mặc khác hiện nay việc triển khai hồ sơ trực tuyến gặp khó khăn về tính pháp lý do chưa có sự thống nhất, hướng dẫn của các Bộ ngành. Do đó tỉnh kiến nghị Trung ương cần quan tâm và có chính sách cho cán bộ làm công tác cải cách hành chính cũng như cán bộ Bộ phận một cửa…
|
|
Thành viên Đoàn Kiểm tra phát biểu, tìm hiểu thêm về cải cách hành chính ở Bình Dương (Ảnh: STTT). |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, trong những định hướng quan trọng thời gian tới, Bình Dương tiếp tục rà soát, thống nhất quy trình thực hiện, thời gian giải quyết đối với từng TTHC để đưa lên Cổng DVC quốc gia; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; tổ chức triển khai đánh giá chỉ số CĐS trong các ngành, lĩnh vực. Phấn đấu năm 2022, Bình Dương nằm trong TOP 10 cả nước về cải cách hành chính.
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Sỹ Bảy đánh giá cao những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Trên cơ sở các ý kiến của Đoàn, tỉnh cần rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo để Đoàn tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cần có sự quan tâm và đề xuất chính sách cho cán bộ làm công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Nên lựa chọn nội dung trọng tâm trong 06 nhóm nội dung triển khai theo tháng, theo quý. Phát huy những kết quả đạt được và thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính trong thời gian tới.