Phát triển y tế tương xứng với tiềm lực kinh tế của tỉnh Bình Dương

Tham dự Hội thảo gồm có: ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các nhà khoa học, lãnh đạo các Viện, trường đại học tại địa phương và trên cả nước.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: STTTT).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Lộc Hà cho rằng, với tốc độ tăng dân số cơ học hàng năm của tỉnh cao, hiện có hơn 53% trên tổng số gần 2,7 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến Bình Dương sinh sống, làm việc, học tập, chủ yếu tập trung ở các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa cao, điều này đã gây ra áp lực lớn trong công tác quản lý nhà nước và khả năng đáp ứng nhu cầu cho người dân; nhiều chỉ tiêu kế hoạch như tỷ lệ bác sĩ và giường bệnh trên vạn dân chưa đạt yêu cầu, còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay hệ thống y tế đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới như mô hình bệnh tật thay đổi, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều loại bệnh truyền nhiễm tăng mạnh như dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội...

leftcenterrightdel
 Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: STTTT).

Báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự báo quy mô dân số của tỉnh khoảng trên 3,5 triệu người vào năm 2030, để đạt chỉ tiêu 29 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sĩ/vạn dân, tỉnh Bình Dương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh và bổ sung hơn 1.900 bác sĩ (gấp đôi số giường bệnh và bác sĩ hiện có). Do đó việc xây dựng Đề án phát triển tổng thể ngành Y tế Bình Dương là hết sức cần thiết trong việc cơ cấu tổ chức lại mạng lưới các cơ sở y tế, tổ chức cung ứng các dịch vụ có chất lượng và hiệu quả.

Đề án nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực toàn bộ hệ thống y tế bao gồm: Y tế cơ sở, y tế chuyên sâu tuyến tỉnh và huyện, y tế dự phòng, y tế ngoài công lập. Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân lực y tế chất lượng cao ở tất cả các chuyên khoa, các tuyến, tạo nguồn nhân lực y tế có kỹ thuật chuyên môn sâu, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu giữa các chuyên ngành. Nâng cấp năng lực cung ứng dịch vụ của của các đơn vị y tế; đảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; nâng cao cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.

Đề xuất nhiều giải pháp để ngành Y tế phát triển

Ông Đào Văn Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, Bình Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước tiên phong tổ chức Hội thảo với sự chuẩn bị công phu, bài bản và tâm huyết. Ông cho rằng Đề án cần bám sát hơn nữa quy hoạch tổng thể của tỉnh và chiến lược tổng thể phát triển của ngành Y tế Việt Nam cũng như gắn với quy hoạch phát triển vùng Đông Nam bộ và thực trạng  kinh tế-xã hội của tỉnh để những mục tiêu, giải pháp đề ra đúng, trúng, bắt kịp quá trình phát triển của tỉnh và đất nước.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo “Đề án Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh đến năm 2030”. (Ảnh: STTTT)

Theo ông, vấn đề đặt ra là Y tế Bình Dương cần phát triển tương xứng với sự phát triển của vùng đô thị, chú trọng quy hoạch hệ thống y tế cơ sở làm nền tảng cho hệ thống y tế cả nước. Ông cho rằng, địa phương cần xác định nguồn lực nhất định đầu tư cho y tế trong tổng GDP của cả tỉnh; cần phát huy vai trò công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống y tế cơ sở tại các khu công nghiệp. Bên cạnh các chính sách thu hút nhân tài, tỉnh cần tập trung nuôi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ thật tốt để đảm bảo cung ứng đủ nhân lực cho ngành Y tế.

Bình Dương có dân số đông, nguồn nhân lực y tế ngoài công lập chiếm tỷ lệ cao. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, tỉnh cần chú trọng phát triển song song, tập hợp gắn kết cả hai nhánh y tế công lập và ngoài công lập. Cả hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ, gắn kết hai chiều, hỗ trợ chuyên môn cho nhau. Ông đề xuất việc thành lập Hiệp hội Dược tỉnh Bình Dương đóng vai trò là đơn vị tư vấn chuyên môn, đưa ra những khuyến cáo. Đồng thời ông cho rằng, Đề án nên chú trọng đến tái thiết hệ thống y tế cơ sở, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế cần được số hóa trong chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Kết luận Hội thảo, ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Đề án phải xác định sức khỏe người dân là trung tâm, đặt người dân làm chủ thể, phát triển ngành Y tế tỉnh Bình Dương là để phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Về định hướng trong thời gian tới, tỉnh cần nghiên cứu, tham khảo định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế Quốc gia đang được Bộ Y tế xây dựng để có hướng quy hoạch phát triển các cơ sở y tế của tỉnh cho phù hợp, tránh chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Bình Dương cần có định hướng phát triển y tế tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng cũng lưu ý, Bình Dương nên tiếp tục ưu tiên xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới cơ cấu và tổ chức Trạm Y tế xã, phường không theo đơn vị, địa giới hành chính mà theo khu vực và quy mô dân số; bổ sung định mức số lượng người làm việc, loại hình nhân viên y tế của Trạm Y tế đảm bảo phù hợp với chức năng và nhiệm vụ; đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp đủ thuốc, cân đối tài chính; hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

Bên cạnh đó, phải coi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, đầu tư phát triển khám, chữa bệnh từ xa, các hệ thống PACS, LIS HIS... để tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin trong công tác quản lý và chuyên môn y tế trong cả khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp thu hút đầu tư của tư nhân cho chăm sóc sức khỏe để phối hợp, chia sẻ với y tế công lập. Tuy nhiên, cũng cần có các giải pháp để quản lý hiệu quả, chất lượng.
Thúy Hà