Những thông tin cá nhân bị mua bán trái phép tràn lan trên mạng không chỉ gây ra sự khó chịu cho người dùng mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực cho toàn xã hội.
Anh Đàm Anh Sơn, một nhân viên văn phòng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết anh thường xuyên bị làm phiền bởi những cuộc gọi tư vấn bất động sản, chứng khoán hay mời mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi. Các cuộc gọi thường vào khung giờ hành chính khiến công việc của anh bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Nhiều hôm tôi phải nhận được cả chục cuộc gọi với nhiều nội dung khác nhau. Đặc biệt vào những hôm đang họp, công việc căng thẳng khiến tôi vô cùng khó chịu. Không biết từ đâu mà họ lại có số điện thoại của tôi. Lúc thì là giọng người thật, lúc thì là giọng đã được lập trình, thật sự là rất phiền phức”, anh Sơn chia sẻ.
Đây cũng là một trong rất nhiều trường hợp thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, mà nguyên nhân chính là việc thông tin của người dùng bị lộ lọt ra ngoài.
Trong thời đại số hóa hiện nay, việc mua bán thông tin cá nhân đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hàng triệu thông tin cá nhân của người dùng như tên, số điện thoại, địa chỉ, số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng và thậm chí là lịch sử mua sắm đang bị thu thập và buôn bán một cách công khai.
Trên thanh tìm kiếm của Facebook hay Google…Chỉ cần gõ từ khóa “mua data” là hàng loạt các nhóm, trang website mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân, khách hàng hiện ra.
Và có đủ mọi nhu cầu, dữ liệu thông tin cá nhân bị rao bán như: Data thẻ tín dụng, data bất động sản, data hộ cư dân toàn quốc, data khách hàng sử dụng ô tô…với cam kết bảo hành số thuê bao chính chủ, sai 1 số sẽ được đổi lại 1 số.
Luật sư Nguyễn Thị Quyên - Công ty Luật Hợp danh H3T cho biết, dữ liệu cá nhân và thông tin người tiêu dùng có thể bị lộ lọt và đánh cắp qua nhiều cách thức khác nhau, bao gồm: Thiết bị người dụng bị tấn công bởi virus, lỗ hổng bảo mật trên các ứng dụng, giao dịch trực tuyến không an toàn hay thiết bị điện tử bị đánh cắp hoặc mất…
Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này như một số doanh nghiệp và tổ chức chưa thực sự chú trọng đến việc bảo mật thông tin khách hàng, dẫn đến việc thông tin dễ dàng bị đánh cắp hoặc rò rỉ, ý thức người dân trong việc bảo vệ dữ liệu chưa cao. Người dân dễ dãi trong cung cấp dữ liệu cá nhân trên các ứng dụng hoặc các trang website không tin cậy. Đồng thời, việc mua bán thông tin cá nhân đem lại lợi nhuận lớn, tạo động lực cho những kẻ xấu thực hiện hành vi này.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Quyên, thông tin cá nhân, dữ liệu bị lộ trên mạng có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo, vay tiền trực tuyến gây nợ xấu đến nạn nhân hay tống tiền, bôi nhọ danh dự...
Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật như xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; bổ sung sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ lọt dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này; Đồng thời, bổ sung, sửa đổi, tập trung thống nhất các chế tài xử lý vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
“Để bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình; hạn chế chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân nếu không thực sự cần thiết; khi phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt, đánh cắp, cần trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng một số biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân trên các trang mạng, ứng dụng như: Dùng mật khẩu mạnh và khác nhau; sử dụng chương trình quản lý mật khẩu; quét, diệt virus và phần mềm mã độc thường xuyên”, Luât sư Quyên nhấn mạnh.