Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, rạng sáng nay (12/10), bão Kompasu đã vượt qua Philippines và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm nay hoạt động trên khu vực. Lúc 4h, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 910 km về phía đông đông bắc, sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.
Ngày và đêm nay, bão di chuyển nhanh theo hướng tây, vận tốc 25 km/h và khả năng mạnh thêm.
Sáng 13/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 370 km về phía bắc đông bắc, sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13. Đây là thời điểm bão đạt cường độ mạnh nhất. Hình thái này sau đó đi chếch theo hướng tây tây nam, tăng tốc lên 25-30 km/h.
Sáng 14/10, tâm bão cách Thanh Hóa 200 km, cách Nghệ An 180 km, cách Hà Tĩnh 130 km, cách Quảng Bình 160 km, sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11. Sau thời điểm này, bão giữ hướng đi, giảm vận tốc xuống còn 20 km/h và đi vào đất liền, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo bản đồ dự báo đường đi, tâm bão khả năng quét thẳng qua Nghệ An - Quảng Bình ngày 14/10.
|
|
Dự báo hướng di chuyển của bão Kompasu. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai. |
Ngày 12/10, mưa tạm thời chấm dứt tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cơ quan khí tượng cảnh báo từ đêm mai (13/10) đến ngày 14/10, vùng ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Bình khả năng ghi nhận gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Từ hôm nay, thời tiết trên biển diễn biến xấu. Khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10. Vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11, giật cấp 13, sóng cao 5-7 m. Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ), gió mạnh cấp 6.
Từ chiều 13/10 đến ngày 14/10, mưa lớn quay trở lại khu vực này. Cụ thể, các tỉnh Bắc Bộ và Quảng Trị khả năng hứng đợt mưa lớn trong hai ngày với lượng phổ biến 100-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm. Trong khi đó, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa rất to, lượng mưa khả năng đạt ngưỡng 150-250 mm/đợt, có nơi trên 250 mm.
Từ ngày 16/10, vùng mưa lớn mở rộng ra các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong hai ngày tới nằm ở phía bắc vĩ tuyến 15,5 độ vĩ bắc và phía tây kinh tuyến 116 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động tại khu vực này nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.