Xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng

Trong phiên họp với Đoàn công tác số 1 của Đoàn Giám sát Quốc hội về  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết, tính 4 năm (2015 - 2018) và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em, với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục 199 vụ (chiếm 54,5%) với 220 trẻ.

Tại tỉnh Hòa Bình, số liệu thống kê cho thấy, trẻ em bị xâm hại từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019 là 123 vụ, trong đó xâm hại tình dục là 110 vụ. Từ năm 2015 đến năm 2016, tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019 có xu hướng giảm. 

Theo số liệu tổng hợp của Công an tỉnh Thanh Hóa, tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng qua các năm, tính chất vụ việc nghiêm trọng, phức tạp hơn. Từ năm 2014 đến 2018, toàn tỉnh xảy ra 158 vụ xâm hại trẻ em với 175 đối tượng xâm hại, 166 bị hại, trong đó có 43 vụ hiếp dâm trẻ em. Tính riêng từ ngày 16/11/2018 đến ngày 15/3/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 25 vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô đối với trẻ em. Trẻ em bị hiếp dâm chủ yếu là ở vùng dân tộc miền núi, chiếm từ 70 - 80% số vụ. Trong đó, 50% đối tượng phạm tội hiếp dâm là những người có mối quan hệ với gia đình nạn nhân.

leftcenterrightdel
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại UBND huyện Chương Mỹ.  

Đoàn Giám sát của Quốc hội vừa giám sát thực tế tại huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) và ghi nhận thực trạng xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, ngày càng báo động. Cụ thể, theo báo cáo từ UBND huyện Chương Mỹ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn huyện có 15 trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, có 8 trẻ bị xâm hại, 1 trẻ tử vong do bị xâm hại. Đáng lo ngại hơn, có tới 14/15 vụ xâm hại trẻ em do chính người thân trong gia đình, người quen gây ra.

Theo thống kê của Công an TP HCM, từ năm 2017 đến quý I/2019 xảy ra 170 vụ (năm 2017 là 58 vụ, năm 2018 là 77 vụ và quý I/2019 xảy ra 35 vụ), trong đó, có 147 vụ xâm hại tình dục trẻ em...

Nguyên nhân và giải pháp

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm này được Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Hoàng Minh Hiến lý giải là do tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình, phụ huynh không có nhiều thời gian quan tâm tới các con nên các em dễ bị các đối tượng xấu cám dỗ, lợi dụng để xâm hại.

Bên cạnh đó, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống buông thả của một số ít người, do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động bạo lực, phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên các trang mạng internet...
Do vậy, cần đưa ra những giải pháp thiết thực hơn nữa, tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, nhất là, tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em.

Để đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, hầu hết số vụ xâm hại tình dục trẻ em phát hiện được là do quá trình nắm tình hình, đấu tranh của cơ quan chức năng. Rất ít vụ việc trực tiếp gia đình nạn nhân hoặc nạn nhân tố giác, tố cáo.

Qua đấu tranh cho thấy, thường các vụ xâm hại tình dục trẻ em khi người thân và gia đình phát hiện, bị hại và đối tượng gây ra đã tự giải quyết, khi không thỏa hiệp được mới trình báo cơ quan chức năng...

Trong khi đó, độ tuổi nạn nhân là trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ, chủ yếu là bé gái. Địa bàn phát sinh các vụ xâm hại không chỉ là nơi vắng vẻ, khu nhà trọ mà gần đây thường xảy ra ở khu vực công cộng như tại chung cư, trường học, công viên.

Các cơ quan chức năng cũng nhận thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại ngày càng mở rộng, không chỉ là lao động phổ thông mà có cả người có trình độ, học vấn cao.

Các cơ quan, ban, ngành đã có nhiều giải pháp để nhằm ngăn chặn loại tội phạm này. Tuy nhiên, hiệu quả trên thực tế vẫn chưa như mong đợi.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ, can thiệp, theo dõi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm. Tuy nhiên, nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nguồn Trung ương, kinh phí đối ứng của địa phương còn hạn hẹp.

Theo các nhà chuyên môn, để phòng, chống nạn xâm hại trẻ em thì gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là chốn bình yên nhất của mỗi người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình.

Đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, bên cạnh việc bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, xử lý nghiêm những vụ vi phạm bạo lực, xâm hại trẻ em thì các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Trước những bất cập trong xử phạt các vụ dâm ô trẻ em, mới đây, TAND tối cao vừa đưa ra một dự thảo về việc hướng dẫn áp dụng một số điều trong nhóm tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự 2015. Tại dự thảo này, các hành vi sờ, hôn... vào bộ phận sinh dục, ngực, mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em có thể bị kết Tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

Mong rằng, với sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, tội phạm xâm hại trẻ em sẽ dần được hạn chế, đẩy lùi, để trẻ em – tương lai của đất nước được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Minh Hà