Nâng niu những con cá gấp đôi tuổi mình
Gia đình anh Kiều Đình Hoàng (sinh năm 1990) và chị Hà Thị Công (sinh năm 1995) người dân tộc Thái, trú tại bản Pượn, xã Trung Sơn (Quan Hoá) là một trong những hộ tiên phong phát triển mô hình nuôi cá Dốc (cá dầm xanh) giống trên đồi cao, góp phần giảm nghèo tiến tới làm giàu trên mảnh xa xôi này.
    |
 |
Mô hình nuôi cá hiếm trên đồi của gia đình anh Hoàng |
Sinh ra tại bản Pượn nghèo khó, nơi được ví như ốc đảo, bởi ngôi bản này nằm trên ngọn núi cao, gần như cách biệt với bên ngoài. Những năm qua, với tinh thần quyết tâm học hỏi và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình chị Công đã thành công với mô hình nuôi cá hiếm trên đồi từ khi còn rất trẻ. Chị Công chia sẻ: Do học được cách làm cá giống từ bố nên mấy năm qua vợ chồng chị đã phát triển mô hình này. Gia đình chị hiện đang nuôi những con cá bố mẹ có tuổi đời gần gấp đôi tuổi chị.
“Loài cá này ít dịch bệnh, dễ nuôi, dễ sống, tuổi thọ cao nhưng đặc biệt lại ít sinh sản. Mỗi lần cá đẻ trứng số lượng rất ít, không như những loài các khác. Vào mùa cá sinh sản, vợ chồng tôi nhiều đêm phải thức trắng để canh trứng, chăm trứng. Chỉ cần ngủ quên hoặc bẵng đi vài tiếng có thể mất hết trứng, một là do loại động vật khác ăn mất, hai là do trôi dạt vào các hang hốc trong ao, khiến người nuôi thất thu vài chục triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi nâng niu chúng như những đứa con của mình.”, chị Công kể.
Nói về những khó khăn trong thời gian đầu khởi nghiệp, anh Hoàng cho biết vợ chồng anh đã gặp muôn vàn khó khăn. Họ đã phải dành rất nhiều thời gian để đào ao, dẫn nước theo kiểu thủ công, dùng sức người là chính. Đường xá đi lại khó khăn, đến mùa thu hoạch cá, anh phải chở từng chuyến xe máy xuống trung tâm hàng chục km để gửi xe khách đi khắp nơi. Nhưng bù lại trên ngọn núi cao này, thiên nhiên lại ưu ái dành cho họ nguồn nước sạch, trong veo, mát mẻ quanh năm nên phù hợp với cả những loài cá khó tính nhất.
Anh Hoàng cho biết thêm: Do Internet phát triển, gia đình anh đã quảng bá sản phẩm trên nền tảng số, mạng xã hội nên có thể cung cấp cá giống đi các tỉnh bạn như: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang với số lượng khoảng 6-70 vạn con cá giống/năm. Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 600-700 triệu đồng. Nhờ mô hình này, anh chị đã trở thành một trong những gia đình khá giả ở bản làng xa xôi, hẻo lánh này.
Những năm qua, ai trong vùng có nhu cầu muốn phát triển, chăm nuôi loài cá này mà muốn học hỏi kinh nghiệm thì gia đình chị Công đều rất sẵn lòng chia sẻ, để bà con cùng nhau phát triển, có cuộc sống khấm khá hơn. Hiện mô hình đang được huyện Quan Hoá khuyến khích nhân rộng để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
    |
 |
Đường vào bản Pượn còn rất khó đi. |
Theo ông Ngô Sỹ Tâm, Bí thư Đảng uỷ xã Trung Sơn, mô hình nuôi cá Dốc (dầm xanh) của bà con tại bản Pượn đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Hiện, xã cũng đang hướng dẫn cho bà con có nhu cầu chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang mô hình này. Những năm qua, đường lên bản còn rất khó đi nên việc phát triển kinh tế đối với đồng bào nơi đây là rất khó khăn. Hiện tuyến đường nay đang được triển khai thi công, hi vọng cũng sẽ mở ra cơ hội bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Mô hình nuôi cá dốc, loại cá có giá trị kinh tế cao trên địa bàn xã Trung Sơn đã viết nên câu chuyện “trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi”. Bà con đã biến mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt thành cơ hội. Và chính những thành công của người tiên phong đã lan toả, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người trong vùng vươn lên thoát nghèo.
Tự trọng vươn lên thoát nghèo
Còn ở bản Tà Cóm (xã Trung Lý), cũng là ngôi bản gần như biệt lập với thế giới bên ngoài vì được bao bọc bởi những dãy núi cao của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và dòng sông Mã. Vùng đất này trước đây từng có cuộc sống hết sức khó khăn, luẩn quẩn trong đói nghèo khi nhiều gia đình ly tán, trẻ em thất học... vì ma túy. Song, gần đây nhiều hộ gia đình đã tự làm đơn xin thoát nghèo, trong đó có nhiều cặp vợ chồng hẵng còn rất trẻ.
Đơn cử như hộ gia đình Anh Sùng A Chai (sinh năm 1995). Ở bản làng heo hút này, Anh Chai là một trong số ít người được đi học Đại học. Sau khi ra trường, ngoài công việc dạy học, với đức tính chăm chỉ, anh còn cùng cùng vợ gom góp, tích luỹ được ít vốn để mua con giống, cây giống phát triển mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.
Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, anh Chai đã làm đơn lên xã xin thoát nghèo. Theo anh Chai, bản thân anh là giáo viên, cần có trách nhiệm trong việc gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là làm kinh tế. Đó cũng là cách truyền cảm hứng để bà con, các bậc phụ huynh có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Tương tự anh Chai, không chấp nhận chịu sống mãi cảnh khốn khó, anh Tặng Văn Sinh (35 tuổi), người dân tộc Dao, Bí thư Chi đoàn bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát đã quyết tâm tìm cho mình con đường thoát nghèo bằng mô hình trồng cam kết hợp nuôi bò, gà. Anh Sinh kể: “Sau khi Tốt nghiệp cấp 3 tôi đã đi làm thuê nhiều nơi để kiếm sống nhưng cũng chỉ nuôi đủ miệng ăn chứ không lo được cho gia đình. Nên đến năm 2016, tôi đã quyết định về quê phát triển kinh tế trang trại trên chính mảnh đất quê hương mình. Đặc biệt, năm 2018, tôi đã vay vốn để mua giống Cam Lào về trồng, kết hợp trồng rừng, và chăn nuôi.”
    |
 |
Anh Tặng Văn Sinh được cấp tỉnh biểu dương về thanh niên khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Nhờ quyết tâm và mạnh dạn và có hướng đi đúng đắn đến nay mô hình tổng hợp của gia đình anh Sinh cho thu nhập lên tới gần 200 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập mơ ước của dân bản. Khi gia đình có nguồn thu ổn định, năm 2024, anh Sinh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và đem lên UBND xã để nộp. Không chỉ tự nguyện làm đơn, điều đáng quý, anh Sinh còn vận động 8 gia đình khác trong bản cùng xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Anh Lò Văn Bun, Bí thư Đoàn xã Quang Chiểu Lò nhận xét: “Đồng chí Tặng Văn Sinh là tấm gương Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất biên cương này. Anh Sinh rất năng nổ, nhiệt tình trong phong trào của địa phương; luôn biết cố gắng, chịu khó làm ăn, là một trong những tấm gương vươn lên thoát nghèo. Anh Sinh vừa vinh dự là 1 trong 3 thanh niên trên địa bàn xã được cấp tỉnh biểu dương về thanh niên khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc ra khỏi danh sách hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không được hưởng nhiều chính sách của nhà nước như: Hỗ trợ tiền làm nhà, tiền điện, tiền ăn của học sinh, gạo hỗ trợ... Tuy nhiên, các hộ dân ở đây biết rằng, hành động này là cần thiết và đồng nghĩa với việc sẽ nhường phần hỗ trợ đó cho các hộ dân khác khó khăn hơn nên bà con đã rất tự giác.
Theo thống kê của Phòng Lao động -Thương Binh - Xã hội huyện Mường Lát cho thấy, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có hơn 100 lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tập trung nhiều ở 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Đặc biệt, có hộ dân vượt hơn 10km ra UBND xã để nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ông Trương Văn Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Mường Lát chia sẻ: “Việc tự nguyện xin thoát nghèo tạo nên điểm sáng về cuộc cách mạng xóa nghèo ở vùng biên. Điều này cho thấy, người dân có ý thức vươn lên, tích cực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại. Sự thay đổi suy nghĩ và hành động của các hộ thật đáng trân trọng.”
Những lá đơn xin thoát nghèo ở miền biên viễn là câu chuyện đầy cảm hứng, đang từng bước xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, phản ánh tinh thần tự lực, tự cường; là hành động thể hiện lòng tự trọng, ý chí vươn lên của bà con dân tộc thiểu số trong việc thoát nghèo và xây dựng cuộc sống mới. Những hộ này chia sẻ rằng, khi đời sống dần ổn định nhờ sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền và các dự án giảm nghèo, họ không muốn phụ thuộc vào sự trợ giúp nữa. Thay vào đó, họ mong muốn nhường cơ hội đó cho những gia đình còn khó khăn hơn.