Rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỷ lệ tai nạn giao thông

Hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia... Đó là những con số đáng lo ngại, được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi tới các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khi trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB).

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết.

Theo Bộ trưởng, sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực, trên một số cá nhân có thể mang lại một số tác động tích cực. Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện.

Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người , tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá. 

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Nếu so với hút thuốc lá thì các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Ở nước ta, rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.  Nghiên cứu của WHO phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện tại 6 tỉnh  thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép , 63,4% người lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép . 

leftcenterrightdel
Tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu, bia ngày càng gia tăng 

Nhiều hộ gia đình Việt Nam (HGĐ) hiện đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia. 11% HGĐ xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất.  Tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người lớn đối với trẻ em phổ biến hơn ở các hộ gia đình nông thôn, thu nhập thấp và có người sử dụng nhiều rượu, bia. Phụ nữ và trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số đang là đối tượng gánh chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia.

50.000 tỷ đồng chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia

Sử dụng rượu, bia gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Chi tiêu cho rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi tiêu của hộ nghèo và là nguyên nhân làm cho tình trạng nghèo đói tăng thêm. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Số liệu từ Đức - nước tiêu thụ rượu, bia đứng thứ 9 trên toàn cầu cho thấy, thiệt hại do rượu, bia gây ra hằng năm khoảng 20 tỷ Euro (trong khi doanh thu từ sản xuất rượu, bia là 17 tỷ Euro và số nộp ngân sách là 3,5 tỷ Euro).

Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng . Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng  (năm 2017); chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD.

leftcenterrightdel
Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP  

Tóm lại, với những ảnh hưởng đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế, rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững. Do vậy để khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về PCTHRB hiện nay. Đồng thời, tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.  Huy động mọi nguồn lực tài chính và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCTHRB để bảo đảm thực hiện luật hiệu quả. Bảo đảm phù hợp, hài hòa với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Từ những lập luận trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, sự cần thiết của việc ban hành Luật PCTHRB đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với PCTHRB nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với yêu cầu PCTHRB. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, pháp luật về PCTHRB và thực hiện hiệu quả ./.

Xuân Hưng