|
|
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân (TP Hải Phòng) sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 16-18/3/2024 (tức ngày mồng 7 đến ngày mồng 9 tháng 2 âm lịch). |
Lễ hội được tổ chức với mục đích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, thông qua các hoạt động của Lễ hội, giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của thành phố và quận đến với nhân dân và du khách trong và ngoài thành phố nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và địa phương.
Nhằm chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động diễn ra tại lễ hội, ngay từ những ngày cuối năm 2023, lãnh đạo UBND quận Lê Chân đã phối hợp tích cực với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình của Lễ hội. Cùng với đó, tại các di tích thờ nữ tướng Lê Chân công tác dọn dẹp toàn bộ khuôn viên di tích và bao sái đồ thờ tự đã được chỉ đạo triển khai.
Theo kế hoạch, từ ngày mồng 7/2 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội và tại các di tích thờ Thánh mẫu làm lễ Cáo Yết, báo cáo Thánh mẫu công tác chuẩn bị đã hoàn tất và xin phép Thánh mẫu cho phép được khai hội. Một điều đặc biệt là lễ vật dâng Thánh mẫu vẫn được thực hiện theo nghi thức truyền thống, từ ông lợn, đến cua bể, bún, bánh đúc và hiện nay thì lễ vật có phần phong phú hơn, có đầy đủ đồ hải sản dâng Thánh như: Tôm, cá, sò biển, ốc biển,...
Sáng ngày mồng 8/2 âm lịch, ngay từ sáng sớm, các hoạt động tế, lễ, dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức Nữ tướng được diễn ra tại di tích đền Nghè và đình An Biên. Đây là phần nghi lễ thu hút được sự quan tâm, nhiệt tình tham gia của nhiều đội tế trên địa bàn quận và các đội tế của các tỉnh, thành lân cận như: đội tế Nữ quan Lê Chân, đội tế nữ quan Hồng Bàng, đội tế đến từ các tỉnh như: Thái Bình, Quảng Ninh,...
Sau nghi lễ tế là lễ rước với hai đoàn rước: Đoàn rước 1, là đoàn rước của 7 phường (Vĩnh Niệm, Trại Cau, Dư Hàng Kênh, Dư Hàng, Hàng Kênh, An Dương, Lam Sơn) và các đoàn dâng lễ xuất phát từ đền Nghè đến Tượng đài Nữ tướng, số lượng người tham gia từ 500 đến 550 người, mang mặc lễ phục truyền thống. Đoàn rước 2, là đoàn rước của 8 phường (Đông Hải, Trần Nguyên Hãn, Kênh Dương, Niệm Nghĩa, Cát Dài, Nghĩa Xá, Hồ Nam, An Biên) xuất phát từ đình An Biên theo lộ trình từ đường Hai Bà Trưng qua Cát Cụt, Nguyễn Đức Cảnh và đến tượng đài Nữ tướng Lê Chân, số lượng người tham gia đoàn rước từ 450 - 500 người.
Sau là các đoàn rước bát biểu chấp kích mặc áo nâu màu vàng, phường đồng văn và đoàn tế. Kế đến là kiệu hoa, lọng che, Long Đình, Kiệu Bát cống, và cuối cùng là các đoàn tế, các phường, các bô lão và nhân dân,...Lễ rước được diễn ra trong không khí trang nghiêm nhưng cũng đầy sự vui tươi phấn khởi, nhiều người dân có cơ hội được hòa mình vào sự náo nhiệt của đoàn rước, được chiêm bái anh linh và thưởng thức những giá trị văn hóa tinh thần của quê hương.
Bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm, vào những ngày diễn ra lễ hội, tại dải trung tâm, đền Nghè, đình An Biên còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn như: Chợ quê, biểu diễn Pháo đất, Võ dân tộc, hát xẩm, hát chèo, hát văn…