Vốn Nhà nước ngoài ngân sách gồm loại vốn nào?
Cập nhật lúc 00:20, Thứ năm, 27/08/2015 (GMT+7)
Ông Dương Văn Hiếu công tác tại Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đề nghị giải đáp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ. (quy định, ngân sách, vốn Nhà nước)
Ông Dương Văn Hiếu công tác tại Sở Y tế tỉnh Điện Biên, đề nghị giải đáp một số vướng mắc trong quá trình thực hiện triển khai Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.
Trong Luật Xây dựng có đưa ra khái niệm về vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách, trong đó Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Vốn Nhà nước ngoài ngân sách là vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng không bao gồm vốn ngân sách Nhà nước".
Ông Hiếu hỏi, vốn Nhà nước ngoài ngân sách gồm các vốn nào? Vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm Trung ương phân bổ cho địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (ví dụ: Vốn trái phiếu Chính phủ cấp cho dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, vốn trái phiếu Chính phủ theo Đề án 47…) có phải là vốn Nhà nước ngoài ngân sách hay không?
Tại tỉnh Điện Biên đang triển khai Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 bằng vốn vay Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc WB và vốn đối ứng phía Việt Nam.
Ông Hiếu hỏi, các Dự án sử dụng nguồn vốn này có phải là Dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách hay không? Trong trường hợp dự án sử dụng cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách theo tỷ lệ nhất định thì quản lý dự án này theo quy chế của loại vốn nào?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Các nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách
Theo quy định điểm 21, Điều 4 Luật Đầu tư công: Vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002, ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Theo quy định nêu trên, vốn Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước là các nguồn vốn không nằm trong dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định như vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp,...
Vốn trái phiếu Chính phủ
Vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm Trung ương phân bổ cho địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nằm trong dự toán đã được Quốc hội quyết định là nguồn vốn ngân sách Nhà nước, không phải là nguồn vốn ngoài ngân sách.
Dự án sử dụng 2 nguồn vốn
Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 và vốn đối ứng phía Việt Nam nằm trong dự toán ngân sách đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định nên là vốn ngân sách Nhà nước.
Trong trường hợp Dự án sử dụng 2 nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách theo tỷ lệ nhất định thì quản lý thực hiện dự án này theo quy chế như sau:
- Vốn ngân sách Nhà nước: Được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
- Vốn Nhà nước ngoài ngân sách: Được thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền cho từng nguồn vốn.
Theo chinhphu.vn
.