(BVPL) - Chị Nguyễn Thị Hoa (Ba Đình - Hà Nội) hỏi: Sau khi ly hôn, tôi thuê nhà ở nơi khác nhưng vẫn chưa chuyển hộ khẩu ra khỏi địa chỉ nhà chồng. Nay chồng cũ của tôi lấy vợ mới nên muốn cắt hộ khẩu của tôi. Xin hỏi, chồng cũ của tôi có quyền cắt hộ khẩu của tôi không và nếu bị cắt hộ khẩu thì tôi phải nhập hộ khẩu về đâu và thủ tục như thế nào?

 


Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 của Luật Cư trú về tách sổ hộ khẩu, thì có hai trường hợp được tách sổ hộ khẩu là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu và người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

Như vậy, sổ hộ khẩu gia đình là một tài liệu làm căn cứ để xác định việc đăng ký hộ khẩu thường trú của từng gia đình hoặc từng đơn vị lập sổ, và là một phương thức quản lý nhân khẩu và việc cư trú của người dân của cơ quan chính quyền. Hiện nay, hộ khẩu không liên quan đến quyền lợi về tài sản hay việc làm như trước. Vì vậy, Bản án của Tòa chỉ tuyên việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, không đề cập đến vấn đề cư trú sau ly hôn. Do đó, nếu không có sự đồng ý của chị và chị chưa có nơi ở mới cố định để nhập hộ khẩu thì Cơ quan công an không thể tự tiện cắt chuyển hộ khẩu của chị ra khỏi nơi cư trú theo yêu cầu của chồng cũ của chị. Mặt khác, hộ khẩu của một người là sự chứng nhận cư trú mang tính nhân thân. Chỉ có chính chị mới có quyền điều chỉnh (di chuyển hoặc không). Đấy là quyền lợi của cá nhân (trừ khi cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định).

Tuy nhiên, khi hôn nhân đã kết thúc và chị đã có nơi ở mới thì chị có thể liên hệ với Cơ quan Công an quận, huyện để làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu cho chị. Do chị không phải là chủ hộ, chị cần có sự đồng ý của chủ hộ khi thay đổi hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp chị chưa có chỗ ở cố định mới, chị cần tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng theo đúng quy định của pháp luật về cư trú.
 

BBT