Trong đó quy định rõ về số lượng công chứng viên thuộc diện biên chế và hợp đồng lao động cho mỗi phòng công chứng.

 

Theo Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 21-8-2009 về việc “Phê duyệt đề án phát triển hành nghề công chứng tại tỉnh Thanh Hóa” của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được phép mở, thành lập 3, phòng công chứng. Phòng công chứng số 1 được giữ nguyên tại TP Thanh Hóa (có địa điểm làm trụ sở giao dịch nằm trong khuôn viên của Sở Tư Pháp tỉnh). Phòng công chứng số 2 có địa điểm làm trụ sở giao dịch tại huyện Ngọc Lặc và Phòng công chứng số 3 có địa điểm làm trụ sở giao dịch ở huyện Hà Trung.

 

Trong đó quy định rõ về số lượng công chứng viên thuộc diện biên chế và hợp đồng lao động cho mỗi phòng công chứng. Việc quyết định phê duyệt đề án phát triển hành nghề công chứng của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn đúng với đường lối, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 17-2-2011 về “Ban hành Tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”.

công chứng
Trụ sở chính của Phòng công chứng số 3 luôn vắng vẻ

 Sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án trên, 3 phòng công chứng (số 1, số 2, số 3) đi vào hoạt động đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi quy định của Chính phủ vừa được ban hành thì Phòng công chứng số 3, có trụ sở đặt tại huyện Hà Trung đã tự ý mở thêm cơ sở 2, có địa chỉ ở 16 Hạc Thành, phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa. Đã nhiều lần người dân phản ánh về việc Phòng công chứng số 3 tại huyện Hà Trung luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, vì lý do ông Trưởng Phòng công chứng số 3 luôn làm việc tại cơ sở 2, rất ít xuất hiện tại trụ sở chính ở huyện Hà Trung.

 

PV báo PL&XH đã liên hệ tới ông Trịnh Tiến Dũng, Trưởng Phòng công chứng số 3, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu rõ thực hư vấn đề. Sáng ngày 31-5, ông Dũng không thừa nhận có cơ sở 2 của Phòng công chứng số 3 mà đây chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ (?) Nhưng, PV đưa hình ảnh về tấm biển hiệu có ghi tên đầy đủ “Phòng công chứng số 3, cơ sở 2, đặt tại 16 Hạc Thành” thì ông Dũng không trả lời.

 

Theo bà Đỗ Thị Hoa, Trưởng VP công chứng Thanh Hóa, căn cứ Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 8-12-2000 của Chính phủ về Công chứng, chứng thực. Căn cứ Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng) không được đặt chi nhánh ngoài nơi đặt trụ sở chính của tổ chức hành nghề công chứng đó. Nghị định 75/2000/NĐ-CP tại điều 9 quy định về địa điểm công chứng, chứng thực quy định: Việc công chứng, chứng thực được thực hiện tại trụ sở của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Luật công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 tại Điều 39 quy định về địa điểm công chứng: Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại Điều 50, Khoản 2.

 

Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Vì thế, việc tổ chức hành nghề công chứng đặt chi nhánh hoặc trụ sở ngoài địa điểm đã được ghi trong Quyết định thành lập UBND tỉnh là sai pháp luật, trái với quy định của Thủ tướng Chính phủ.


Trần Đại (PL&XH)