Tôi lái ôtô mắc lỗi vượt đèn đỏ bị công an phạt một triệu đồng, đòi giữ xe 30 ngày.

 


Tôi băn khoăn lỗi này có đáng bị phạt nặng như vậy không? Xin hỏi có quy định nào cho phép như vậy?

Luật sư trả lời

Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng nếu "khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng".

Ngoài việc bị phạt tiền thì theo quy định tại khoản 11 Điều 5 Nghị định 171 vừa nêu, người có hành vi vượt đèn đỏ còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe một tháng, trong trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng.

Từ ngày 1/8 Nghị định 171/2013/NĐ-CP sẽ được thay thế bởi Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016. Theo quy định của Nghị định mới này, người điều khiển xe ôtô có hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Ngoài ra, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính như sau:

"1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;

b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.

2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành...

8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày…".

Như vậy, có thể thấy việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết  được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính vừa trích dẫn ở trên.

Do đó, trong trường hợp hành vi vượt đèn đỏ của bạn không gây tai nạn hoặc thiệt hại cho các phương tiện tham gia giao thông khác và không thuộc các trường hợp phải tạm giữ phương tiện như vừa nêu ở trên thì bạn sẽ chỉ bị phạt tiền đồng thời có thể tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe một tháng nhưng sẽ không bị giữ xe 30 ngày như thông báo của cảnh sát giao thông.
 

Theo vnexpress

.