leftcenterrightdel
 Dự án The Western Capital, nơi xảy ra vụ việc tai nạn lao động khiến nữ công nhân 17 tuổi tử vong. (Ảnh: NP)

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, sáng ngày 11/3, tại công trường dự án Khu nhà ở xã hội - Nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc (116 Lý Chiêu Hoàng, Phường 10, quận 6, TP HCM - tên thương mại là The Western Capital) đã xảy ra tai nạn lao động khiến nữ công nhân 17 tuổi tử vong.

Dự án do Công ty TNHH Quản lý BĐS Hoàng Phúc làm chủ đầu tư; Công ty CP Xây dựng hạ tầng Nam Thành - gọi tắt là Công ty Nam Thành là tổng thầu thi công dự án.

Theo chứng minh thư ghi nhận, nữ công nhân Trần Lệ T. chưa đủ 18 tuổi (sinh ngày 29/12/2003), thuộc diện lao động chưa thành niên.

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Võ Tấn Lộc - Công ty Luật TNHH MTV Long Phan PMT cho biết: Tại điểm b, khoản 2, Điều 147, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở “Công trường xây dựng”; Tại khoản 3, Điều 16, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 cũng quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm: Trang bị đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; Trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

leftcenterrightdel
Luật sư Võ Tấn Lộc cho rằng, việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi và để xảy ra tai nạn lao động thì tùy mức độ vi phạm để xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Thông tư 04/2017/TT-BXD của Bộ xây dựng cũng quy định rất rõ về trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình. Theo đó, "Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các quy định nêu tại điều này đối với phần việc do mình thực hiện".

"Việc công nhân T. nếu không được trang bị phương tiện bảo hộ cần thiết (mũ bảo hộ lao động và các trang bị bảo hộ khác) khi làm việc tại công trường thì cho thấy sự lơ là trong công tác quản lý an toàn lao động tại công trường. Việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của đơn vị nhà thầu thi công.

Về xử lý hậu quả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm quy định về an toàn lao động có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung 2017 thì người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người mà có hậu quả làm chết người thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Võ Tấn Lộc phân tích.

Cũng liên quan dự án The Western Capital, thời gian qua, Công ty Nam Thành liên tục bị tố chậm thanh toán tiền công cho nhiều tổ đội thi công; Chủ đầu tư là Công ty TNHH Quản lý BĐS Hoàng Phúc bị khách hàng tố chậm bàn giao nhà. Ngoài ra, dự án cũng bị tố không đảm bảo an toàn lao động (không trang bị bảo hộ lao động), sử dụng vật liệu xây dựng không đúng quy định.

Liên quan vụ việc, ngày 22/2, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản chuyển cho Sở Xây dựng TP HCM xử lý, giải quyết theo quy định.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Phong