Ly hôn có được "cắt khẩu" của vợ cũ?
Cập nhật lúc 21:47, Thứ ba, 25/08/2015 (GMT+7)
Không chung sống được với nhau, vợ chồng tôi ly hôn. Sau khi lấy vợ mới, tôi muốn nhập khẩu cho cô ấy nhưng trong sổ hộ khẩu của tôi vẫn còn tên vợ cũ...
Vợ chồng tôi lấy nhau được 10 năm, có với nhau hai con. Không chấp nhận chuyện vợ cắm cho mình “cái sừng to tướng trên đầu”, tôi quyết định ly hôn.
Chúng tôi thống nhất toàn bộ tài sản trong nhà (đồ đạc và nhà ở) để lại cho hai con sau khi vợ chồng ly hôn. Khi tòa xử xong, chúng tôi đường ai nấy đi. Hai năm sau, tôi lấy một cô gái ở tỉnh khác về làm vợ. Sau khi cưới, tôi đi nhập khẩu cho vợ mới về hộ khẩu của mình. Tuy nhiên, trong sổ hộ khẩu của tôi vẫn còn khẩu của vợ cũ.
Xin hỏi luật sư, trong trường hợp này, tôi có được “cắt” khẩu của vợ cũ ra khỏi hộ khẩu của mình không? Hiện tại ngôi nhà tôi đang ở cùng 2 con và vợ mới vẫn thuộc tài sản chung của tôi với vợ cũ. Vợ cũ của tôi đang sống một mình ở cùng làng tôi. Vậy để “cắt” khẩu của vợ cũ, tôi cần làm những thủ tục gì? Xin cảm ơn luật sư!
Trả lời:
Việc bạn muốn “cắt” khẩu của vợ cũ ra khỏi hộ khẩu của mình chính là trường hợp tách hộ khẩu của vợ ra khỏi hộ khẩu của bạn. Khi ly hôn, tòa án chỉ giải quyết ba quan hệ là: quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản và quan hệ về con cái giữa vợ và chồng mà không giải quyết về việc tách hộ khẩu chung của các bên. Vì vậy, sau khi ly hôn, việc thay đổi nơi thường trú sẽ do các bên tự định đoạt theo quy định của luật cư trú. Cụ thể như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật cư trú năm 2006 thì:
“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.”.
Như vậy, theo quy định này thì việc tách hộ khẩu chỉ được tiến hành do chính người có nhu cầu tách thực hiện. Do đó, bạn không có quyền đơn phương làm thủ tục tách sổ hộ khẩu của vợ cũ sau khi ly hôn.
Tuy nhiên, Điều 23 Luật Cư trú cũng quy định: “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn mười hai tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.”
Vì vậy, nếu sau khi ly hôn, vợ cũ của bạn đã thay đổi chỗ ở hợp pháp, không còn sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại nơi đã đăng ký thường trú, thì vợ bạn là người đã thay đổi chỗ ở phải làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới theo quy định của Luật Cư trú. Trường hợp vợ cũ của bạn không tiến hành theo đúng quy định này thì sẽ có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trên thực tế, trong trường hợp của bạn, nếu bạn không muốn có tên của vợ cũ trong hộ khẩu của bạn thì bạn có thể tự tách hộ khẩu của mình ra khỏi hộ khẩu chung với vợ cũ (địa chỉ hộ khẩu mới vẫn là địa chỉ của hộ khẩu mà bạn đang chung với vợ cũ của mình) theo quy định tại Luật cư trú năm 2006 với thủ tục như sau:
• Hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Sổ hộ khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).
• Nơi nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu:
- Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
• Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi tách xong hộ khẩu của mình, bạn có thể nhập khẩu cho vợ mới của bạn vào hộ khẩu bạn đã tách ra theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Bên cạnh đó, nếu bạn không muốn thực hiện việc tách khẩu vì thủ tục hành chính phiến hà thì bạn chỉ cần nhập khẩu cho vợ mới vào hộ khẩu cũ của bạn mà không cần tách khẩu của vợ cũ của bạn hoặc tách riêng khẩu của bạn như phân tích trên.
Về căn nhà hiện bạn đang sinh sống: Việc thay đổi hộ khẩu của bạn hoặc vợ bạn không làm mất đi quyền sở hữu của các bên đối với căn nhà và quyền sử dụng đất. Tức là, mặc dù có sự thay đổi về hộ khẩu nhưng bạn và vợ cũ của bạn vẫn là chủ sở hữu đối với căn nhà này cho tới khi bạn và vợ của bạn hoàn thiện thủ tục để tặng cho hai con nhà đất này.
Trân trọng!
Theo PLO
.