Trả lời Báo Bảo vệ pháp luật về hình thức xử lý 2 đối tượng này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của 2 đối tượng là rất táo tợn, coi thường pháp luật, giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sựB ộ Công an ngang nhiên vào nhà dân đọc lệnh khám xét và bắt người nhằm mục đích yêu cầu bà H. phải đưa cho chúng 100-200 triệu sẽ bỏ qua chuyện.

Có thể thấy, đây là một thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, liều lĩnh chưa từng xảy ra những năm gần đây đã gây tổn hại đến uy tín lực lượng Công an nhân dân nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các đối tượng đã lên kế hoạch chuẩn bị công cụ, phương tiện, tìm mua trang phục ngành Công an, làm giả các giấy tờ, tài liệu và tìm hiểu người bị hại để thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản.

leftcenterrightdel
 2 đối tượng giả danh Công an đã bị bắt giữ.

Xét hành vi phạm tội của các đối tượng trong cùng một thời điểm đã xâm phạm đến 4 khách thể Bộ luật Hình sự: Quyền sở hữu tài sản của công dân; Trật tự quản lý hành chính Nhà nước về chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác trong lực lượng vũ trang; Hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính cơ quan Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Chế độ quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự của Nhà nước.

“Để có căn cứ xử lý các đối tượng về các tội danh tương ứng, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích phạm tội và trưng cầu giám định quân phục, giấy tờ, tài liệu, khẩu súng các đối tượng sử dụng” - Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay.

Theo Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, kết quả giám định xác định quân phục các đối tượng mặc được làm giả và mạo danh mình có cấp bậc, chức vụ để thực hiện hành vi trái pháp luật thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo quy định tại Điều 339 Bộ Luật Hình sự.

Các giấy tờ, tài liệu được xác định làm giả thì đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự.

Đối với khẩu súng mà đối tượng sử dụng, nếu kết quả giám định thuộc vũ khí quân dụng hoặc có tính năng tác dụng như vũ khí quân dụng thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 304 Bộ Luật Hình sự.

Với động cơ, mục đích yêu cầu bà H phải đưa cho chúng 100-200 triệu thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật Hình sự.

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức.

b) Có tính chất chuyên nghiệp.

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới

c) Làm chết người

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 2 người

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng

đ) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 3 người trở lên

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên

đ) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức

b) Phạm tội 2 lần trở lên

c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đưa tin, lúc 22h ngày 28/8, bà Lim Thị H. (SN 1966, ngụ Nhật Tảo, phường 7, quận 11) đang ở trong nhà thì bất ngờ phát hiện một xe ôtô biển số xanh 80B dừng trước cửa nhà.

Trên xe bước xuống 2 cán bộ với quân hàm thiếu tá và thiếu úy, xưng là người của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an.

Sau đó, cả hai yêu cầu bà H. vào nhà và đọc lệnh bắt bà này. Thấy điệu bộ cả hai khả nghi, đặc biệt là không có sự xuất hiện của đại diện Công an phường hay tổ dân phố, người thân bà H. liền gọi điện báo Công an phường 7.

Ít phút sau, tổ công tác Công an phường và hình sự đặc nhiệm Công an quận lập tức có mặt, yêu cầu 2 đối tượng xuất trình giấy tờ tùy thân.

Sau một hồi cao giọng, 2 đối tượng xuất trình một thẻ ngành và lệnh khám xét, nhưng tất cả đều là giả.

Di lý 2 đối tượng về trụ sở, thiếu tá “dỏm” có tên Trần Văn Sơn (SN 1979, HKTT 7A  Cộng  Hòa, phường 4, quận Tân Bình) còn thiếu úy “dỏm” là Trần Hồng Thái (SN 1983, HKTT Khoái Châu-Hưng Yên).

Hiện, Công an quận 11 đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc giả danh táo tợn này, cũng như mục đích giả danh của 2 đối tượng.

 

Huân Thu