Về vấn đề này, theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ như sau:
Thông tư 126/TT-BCA của Bộ công an Quy định về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của Công an nhân dân nhằm siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức, trách nhiệm, tác phong cũng như trình độ nghiệp vụ của cán bộ điều tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tội dùng nhục hình và bức cung là những tội danh không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người bị buộc tội mà còn xâm phạm đến hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong hoạt động tư pháp. Với tội dùng nhục hình, theo điều 373 Bộ Luật Hình sự thì người vi phạm có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, cụ thể như sau:
“Điều 373. Tội dùng nhục hình
1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên
b) Đối với 2 người trở lên
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b) Làm người bị nhục hình tự sát
4. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”
Còn với tội bức cung thì hình phạt thấp nhất là sáu tháng tù, hình phạt cao nhất cũng là tù chung thân, cụ thể như sau:
“Điều 374. Tội bức cung
1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Phạm tội 2 lần trở lên
b) Đối với 02 người trở lên
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng
d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
e) Dẫn đến làm sai lệch kết quả khỏi tố, điều tra, truy tố, xét xử
g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bức cung tự sát
b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
a) Làm người bị bức cung chết
b) Dẫn đến làm oan người vô tội
c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm.”
|
|
Thông tư số 126/TT-BCA quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân. (Ảnh: Công an) |
Hành vi bức cung, dùng nhục hình rất khó phát hiện, rất khó chứng minh và khó xử lý bởi trong hoạt động điều tra, không phải lúc nào cũng có người giám sát cán bộ điều tra thực hiện các hoạt động tố tụng.
Thủ tục hỏi cung phần lớn là chỉ có người bị buộc tội đối mặt với cán bộ điều tra. Quy định về tạm giam, tạm giữ, đặc biệt là hoạt động giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ tại cơ quan điều tra trong những ngày đầu khi mới bắt giữ nghi phạm là thời điểm rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra bức cung, dùng nhục hình.
Có rất nhiều trường hợp khi ra tòa, xét xử, bị cáo khai báo là bị đánh đập, ép buộc khai báo và lúc này, Tòa án yêu cầu xuất trình chứng cứ nhưng bị cáo không thể có. Tòa án sẽ rất khó để có thể xác định lời khai đó của bị cáo là đúng hay không...
Việc bức cung, dùng nhục hình xảy ra với những cơ quan điều tra mà cán bộ điều tra yếu kém về nghiệp vụ, yếu kém về đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác, tiêu cực hoặc có sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí dung túng của cán bộ chỉ huy. Hành vi bức cung, dùng nhục hình sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm của người bị tạm giữ, bị can và cũng ảnh hưởng đến tính đúng đắn, đến sự thật khách quan của vụ án.
Để giảm thiểu những vụ việc bức cùng, dùng nhục hình thì ngoài việc tăng cường cơ chế giám sát, thực hiện nghiêm túc những nội dung được quán triệt trong Thông tư nêu trên, thực hiện ghi âm ghi hình, thì cần phải nâng cao đạo đức, tác phong, kỷ luật của cán bộ, những người tiến hành tố tụng, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.