Đi mô tô cướp giật tài sản có phạm tội hay không?
Cập nhật lúc 18:25, Thứ tư, 13/07/2011 (GMT+7)
Ông Trịnh Quang Hồng (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) hỏi: Ngày 8/3/2011, con trai tôi có sử dụng xe mô tô để đi học (cháu đang học lớp 11 phổ thông trung học). Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Ông Trịnh Quang Hồng (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) hỏi: Ngày 8/3/2011, con trai tôi có sử dụng xe mô tô để đi học (cháu đang học lớp 11 phổ thông trung học).
Vào buổi tan trường, cháu đã điều khiển xe mô tô chở phía sau một người bạn học cùng lớp. Khi điều khiển xe trên đường cháu đã ép xe những người bạn học trường khác đi xe đạp vào lề đường để cho người ngồi sau giật mũ của họ và phóng xe bỏ chạy.
Khi con trai tôi và người bạn của nó giật được hai chiêc mũ thì bị Cảnh sát giao thông bắt giữ quả tang. Qua định giá tài sản, hai chiếc mũ đó trị giá 60.000 đồng. Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố con tôi về tội Cướp giật tài sản theo Điều 136 Khoản 2 Bộ luật Hình sự.
Xin hỏi quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan về vấn đề này như thế nào? Cơ quan công an khởi tố con tôi có đúng không?
Trả lời:
Tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó khoản 1 và 2 đã quy định:
Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
...d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm
Về tình tiết " dùng thủ đoạn nguy hiểm" quy định tại khoản 2 điểm d Điều 136 Bộ luật Hình sự đã được hướng dẫn tại mục 5.3, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ Tư pháp, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, "Dùng thủ đoạn nguy hiếm" là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thự hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi trên xe mô tô, xe máy... Cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây hậu quả nghiêm trọng, thì áp dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm d và h khoản 2 Điều 136 Bộ luật Hình sự.
Áp dụng các văn bản nêu trên thì hành vi của con bạn đã cấu thành tội Cướp giật tài sản, vi phạm Điều 136 khoản 2 điểm d Bộ luật Hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố con bàn là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Luật gia Khắc Thắng