(BVPL) - Ông Vũ Đức Tuấn (Hoa Lư, Ninh Bình) hỏi: Hiện nay tôi bị bệnh hiểm nghèo nên muốn lập di chúc chia tài sản cho các con để tránh việc tranh giành tài sản sau khi tôi mất. Vậy tôi phải làm di chúc như thế nào để hợp lệ? Mong quý báo tư vấn. Tôi xin cảm ơn quý báo.
 


Trả lời: Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự, Di chúc phải được lập thành văn bản, và phải có đủ các nội dung theo Điều 653 Bộ luật Dân sự như sau:

1. Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản;
đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Về mặt hình thức, ông có thể lựa chọn 1 trong 3 loại sau (quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự):

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Ông phải tự tay viết và kí hay điểm chỉ vào di chúc đó.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: nếu ông không thể viết di chúc thì có thể để người khác viết, nhưng phải có tối thiểu 2 người làm chứng. Ông phải kí hay điểm chỉ vào di chúc trước mặt 2 người làm chứng, sau đó 2 người làm chứng sẽ kí xác nhận vào di chúc.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng hay chứng thực: được lập tại cơ quan công chứng hay UBND xã, phường, thị trấn. Tại đây, ông sẽ đọc nội dung di chúc cho Công chứng viên hay cán bộ có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn, người này sẽ ghi nhận lại nội dung của di chúc. Cuối cùng ông sẽ điểm chỉ hay kí tên xác nhận nội dung của di chúc là chính xác, thể hiện đúng ý chí của mình. Nếu ông không thể đọc hay nghe được bản di chúc, không thể kí hay điểm chỉ được thì cần nhờ đến người làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận trước mặt Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
 

B.B.Đ

.