BLHS có quy định về tội đe dọa giết người (Điều 103 BLHS). Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật ít khi khởi tố người có hành vi đe dọa vì phải đánh giá rất nhiều yếu tố…
Năm 2009, ông H., ngụ TP Biên Hòa (Đồng Nai) có mâu thuẫn về chuyện vay mượn tiền bạc với một người tên A. A.từng xông vào nhà hành hung ông H., có lần còn cùng nhiều người khác cầm kiếm, gậy tới đe dọa giết ông.
Chỉ nhắc nhở
Ít ngày sau, ông H. lại bị một người hàng xóm tên D. kéo theo nhiều người cầm ống sắt, mã tấu đến trước nhà chửi bới, dọa chém giết cả nhà. Gia đình ông H. rút vào trong đóng chặt cửa cố thủ, nhờ cửa chắc chắn nên nhóm của D. không vào được bên trong.
Lúc này, D. đứng bên ngoài móc trong túi ra một cọc tiền, lạnh lùng tuyên bố: “Hôm nay tao không lấy máu được tụi mày thì tao không lấy 18 triệu của thằng A.”. Nhóm của D. tiếp tục vây chặt nhà ông H., mãi tới khi lực lượng cảnh sát 113 xuống can thiệp mới chịu rút đi.
Lo sợ cho tính mạng của mình và người thân, ông H. đã làm đơn tố cáo gửi công an phường yêu cầu xử lý hành vi đe dọa giết người của A. và D. Tuy nhiên, sau đó công an phường cũng chỉ nhắc nhở những người này chứ không chuyển hồ sơ đề nghị Công an TP Biên Hòa khởi tố.
|
Trên thực tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật ít khi xử lý hình sự người có hành vi đe dọa đến tính mạng của người khác. Ảnh minh họa: HTD |
Phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan?
Theo nhiều chuyên gia, trong đời sống xã hội, chuyện các cá nhân vì mâu thuẫn mà có lời nói, hành vi đe dọa đến tính mạng của người khác như trên xảy ra không ít. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật ít khi xử lý hình sự người vi phạm.
Về tội đe dọa giết người, đến nay các cơ quan tố tụng vẫn áp dụng hướng dẫn trong Nghị quyết 04 ngày 29-11-1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, tội này phải có hai dấu hiệu bắt buộc: Thứ nhất là có hành vi đe dọa giết người như nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao… đe dọa. Thứ hai là phải có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện…
Tuy nhiên, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận xét: Hành vi đe dọa giết người ít khi bị xử lý hình sự là do phụ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Rất nhiều yếu tố để đánh giá: Mâu thuẫn giữa các bên có thật sự nghiêm trọng đến mức “sống chết” hay không, mức độ đe dọa đến đâu, người đe dọa có khả năng thực hiện lời đe dọa không hay chỉ hăm he hù dọa cho bõ tức… Trong khi đó, nhận thức về mức độ nghiêm trọng của sự việc từ mỗi người có trách nhiệm lại khác nhau.
Còn theo kiểm sát viên Nguyễn Mạnh Long (VKSND TP Đà Nẵng), tội phạm này khó xác định bởi xảy ra khi chưa có hậu quả vật chất. Nếu người đe dọa chỉ dùng lời nói suông như “tao sẽ giết mày”… thì chưa thể cấu thành tội. Ít ra người đe dọa cũng phải có những hành động cụ thể khác như chuẩn bị hung khí, kèm theo đó là những lời đe dọa mạnh mẽ, dồn dập, liên tục tuyên bố trong một thời gian rằng sẽ ra tay… Tất cả động thái đó khiến người bị đe dọa lo sợ rằng những lời đe dọa giết người sẽ được thực hiện thì mới cấu thành tội.
Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
(Theo Điều 103 BLHS)
Không đơn thuần dựa vào lời nói
Để xử lý tội đe dọa giết người thì không đơn thuần chỉ dựa vào lời nói mà phải chứng minh được lời đe dọa là có thật, đồng thời phải có các căn cứ cụ thể để người bị đe dọa tin rằng những lời đe dọa đó sẽ được thực hiện. Bởi lẽ nếu chỉ đơn thuần là lời nói khiến cho người bị đe dọa lo sợ thì chưa có căn cứ xác đáng. Ít nhất phải có căn cứ để khẳng định những lời đe dọa đó sẽ xảy ra. Ví dụ, người đe dọa có nhân thân xấu, nhiều lần đánh đập người bị đe dọa hay trước đây đã có những việc làm coi thường pháp luật, coi thường mạng sống, sức khỏe của người khác…
ThS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM
Phải xem xét mâu thuẫn
Theo tôi, căn cứ để xem xét tội phạm này là mức độ mâu thuẫn giữa người đe dọa và người bị đe dọa. Từ các mâu thuẫn có thể đánh giá được rằng lời đe dọa đó ở mức độ nào và có căn cứ hay không. Mặt khác, sau khi có tố cáo, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác minh vì đây là tội phạm nguy hiểm, có thể chuyển biến sang tội giết người hay cố ý gây thương tích một cách nhanh chóng.
Luật sư HOÀNG CAO SANG, Đoàn Luật sư TP.HCM
|
Theo Dương Hằng
(Pháp luật thành phố HCM)