Anh của ông Tụy Vũ (tuyskqn90@gmail.com) đăng ký kết hôn với người phụ nữ đã có con riêng (sinh năm 2013) nhưng chưa đăng ký khai sinh do trước đó vợ của anh trai ông không đăng ký kết hôn với cha đẻ của đứa trẻ.

 


Sau khi kết hôn, anh trai ông Vũ có nguyện vọng đăng ký khai sinh cho con riêng của vợ và mang họ của anh trai ông nhưng cán bộ Tư pháp hộ tịch xã không chấp nhận và thực hiện đăng ký khai sinh theo họ mẹ. Ông Vũ hỏi, việc đăng ký khai sinh cho đứa trẻ theo họ mẹ như vậy có đúng quy định không? Trường hợp cha dượng muốn đổi họ con riêng của vợ có được không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời:

Theo điểm e, khoản 1, Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì, việc xác định họ và quê quán khi đăng ký khai sinh cho trẻ được thực hiện như sau:

Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.

Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.

Theo đó, đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, sinh con ngoài giá thú việc xác định họ và quê quán như sau:

- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh cha đẻ của trẻ nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh (theo quy định tại khoản 3, Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP). Họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ.

- Nếu cha đẻ của trẻ không làm thủ tục nhận con, UBND cấp xã không có quyết định công nhận việc nhận con cho cha đẻ của trẻ, thì khi khai sinh, trẻ được xác định theo họ và quê quán của người mẹ.

Cụ thể trường hợp ông Tụy Vũ hỏi, do cha mẹ đẻ của trẻ không đăng ký kết hôn, cha đẻ của trẻ không làm thủ tục nhận con, vì vậy công chức Tư pháp hộ tịch xã thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ theo họ mẹ là đúng quy định.

Anh của ông Vũ là cha dượng, không phải là cha đẻ của trẻ, do vậy yêu cầu đăng ký khai sinh cho con riêng của vợ mang họ của cha dượng không được chấp nhận.

Có thể đổi họ con riêng của vợ sang họ cha dượng

Trường hợp muốn đổi họ con riêng của vợ sang họ cha dượng có thể thực hiện như sau: Cha dượng làm thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi, sau đó thực hiện thủ tục thay đổi họ cho trẻ.

Theo Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi, được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ, thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước thuộc UBND cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ làm con nuôi, thì UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Theo khoản 1, Điều 21 Luật Nuôi con nuôi, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Theo điểm b, khoản 1 và khoản 2, Điều 27 Bộ Luật Dân sự và khoản 2, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định, UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người dưới 14 tuổi.

UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi

Thủ tục đăng ký việc thay đổi họ, tên được quy định tại Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi theo khoản 10, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP như sau:

Người yêu cầu thay đổi họ, tên phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi.

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ, tên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi họ, tên. Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc thay đổi họ, tên. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Nội dung và căn cứ thay đổi họ, tên phải được ghi chú vào cột ghi những thay đổi sau này của Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.

Sau khi việc thay đổi họ, tên đã được ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, thì bản sao Giấy khai sinh từ Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi theo nội dung đã thay đổi.

Cụ thể, anh của ông Vũ là cha dượng có thể nhận trẻ 2 tuổi là con riêng của vợ làm con nuôi. Vì cha đẻ của trẻ chưa làm thủ tục nhận con, nên có thể coi là trường hợp chưa xác định được cha đẻ, do đó chỉ cần mẹ đẻ của trẻ (tức là vợ của anh ông Vũ) đồng ý.

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cha dượng cư trú. Sau khi đăng ký nuôi con nuôi đối với con riêng của vợ, cha dượng có thể yêu cầu UBND cấp xã ra Quyết định về việc thay đổi họ cho trẻ (đã được đăng ký khai sinh theo họ mẹ đẻ) sang họ của cha dượng.

 

Luật sư Lê Văn Đài - VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

 

Theo Chinhphu.vn

.