(BVPL) - Đó là khẳng định của Luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty luật An Viên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội liên quan đến vấn đề dư luận đang xôn xao về việc ông Lê Thanh Tuyết – Bí thư Thị ủy thị xã Phổ Yên có quan hệ “họ hàng xa” với một số cán bộ khác đang cùng công tác tại các phòng, ban thuộc UBND thị xã.
Phân tích vấn đề trên, Luật sư Cao Xuân Vượng cho hay: “Việc tuyển dụng, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, luân chuyển,... cán bộ, công chức hiện nay tại Việt Nam được quy định rất cụ thể ở một số Luật, văn bản liên quan như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật tổ chức Hội đồng nhân dân; Luật tổ chức Ủy ban nhân dân; Quyết định 27/2003/QĐ-TTg ngày
19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quy định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo;... Tuy nhiên, chưa có bất kỳ quy định nào quy định những người có họ hàng, quan hệ huyết thống với nhau thì không được phép làm trong cùng một cơ quan nhà nước. Một cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì có thể được cơ quan nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển...theo quy trình.
|
Luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty luật An Viên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội trao đổi với phóng viên. |
Trong cùng một cơ quan Nhà nước, địa phương nào đó mà có nhiều người cùng dòng họ, huyết thống thì cũng không có gì là sai. Trường hợp nếu thấy có nghi vấn thì cơ quan chức năng có thể xem xét lại một số yếu tố sau: Thứ nhất, xem xét việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển... cán bộ, công chức có căn cứ vào quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế hay không. Thứ hai, cá nhân được tuyển dụng, bổ nhiệm... có đủ điều kiện tiêu chuẩn tương đương với chức danh đó hay không. Thứ ba, xem việc đề bạt tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển... có đúng quy trình chưa? Tất cả những nội dung này đều được pháp luật quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc bổ nhiêm cán bộ thuộc UBND các cấp đều có quy trình đề bạt, bổ nhiệm rất phức tạp từ các cơ quan quản lý cũng như cơ quan chuyên môn như HĐND – UBND tỉnh, Ban tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ, các Sở ban ngành chuyên trách. Hơn nữa, bộ máy nhà nước phải chọn lọc được những cán bộ có tâm, có tài để lãnh đạo Đảng, chính quyền.
Về phương diện tổ chức Đảng cũng có những quy định rất cụ thể, đầy đủ về công tác tổ chức cán bộ từ việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật hoặc thôi việc…nhưng cũng không có quy định cụ thể về các mối quan hệ của lãnh đạo, cán bộ cơ quan không được bổ nhiệm, trọng dụng.
Liên quan đến vụ trên, Ông Nguyễn Quang Dương – Trưởng Ban tổ chức thị ủy Phổ Yên cũng khẳng định: “Những người được đề cập theo như thông tin phản ánh đều là những cán bộ có năng lực, được tổ chức quy hoạch từ nhiệm kỳ 2010 – 2015. Khi chuẩn bị nhân sự, kể cả bên Đảng và bên Nhà nước, đều có đề nghị của các ngành, phòng ban thì tập thể thường trực mới bàn bạc, thống nhất cho làm quy trình xem xét, bổ nhiệm nhân sự. Sau khi thực hiện xong quy trình này, phải thông qua để UBND bỏ phiếu và nếu thống nhất thì tiếp tục trình lên ban thường vụ xem xét. Công tác cán bộ phải có quy hoạch, làm đúng quy trình, công khai, dân chủ.
Trình độ, năng lực của cán bộ được thể hiện trong quá trình công tác tại đơn vị, được khẳng định qua công việc. Nhiều người trong số đó được sinh ra trong gia đình có truyền thống, có bố mẹ từng là cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, chứ không chỉ là họ hàng xa với ông bí thư. Thực tế từ khi bổ nhiệm đến nay đều được đánh giá làm việc tốt”.
Ông Dương nói thêm: “Không hiểu sao lại có đơn tố cáo ông tuyết, chứ nhìn vào tám người trong danh sách, không thấy không ai cùng họ Lê với ông Tuyết. Điều đó chứng tỏ họ không phải anh em ruột thịt, họ hàng gần gũi, mà toàn là họ xa đời thứ ba trở lên.”.
Một lần nữa, luật sư Vượng bày tỏ rõ quan điểm: “không thể nói, hay suy diễn người cùng huyết thống, họ hàng lại không được làm cùng trong một cơ quan nhà nước, nếu họ có năng lực thật sự, có đạo đức, cống hiến vì nước vì dân, thì việc chỉ cho rằng do thân quen, có quan hệ họ hàng mà không tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt,... là vi phạm quyền công dân, vi phạm pháp luật”.
Hoàng Đạt