Có phải người làm bằng giả mới bị phạt, người mua vô can?
Cập nhật lúc 23:59, Thứ hai, 05/09/2016 (GMT+7)
Nhà trường phát hiện tôi nộp chứng chỉ tiếng Anh giả và thông báo sẽ mời công an vào làm việc. Tôi lo lắng, muốn hỏi có phải pháp luật chỉ xử lý người làm giả, còn người mua chỉ nhắc nhở thôi, đúng không? (bằng giả , tiếng Anh, chứng chỉ , vô can, Nhà trường)
Nhà trường phát hiện tôi nộp chứng chỉ tiếng Anh giả và thông báo sẽ mời công an vào làm việc. Tôi lo lắng, muốn hỏi có phải pháp luật chỉ xử lý người làm giả, còn người mua chỉ nhắc nhở thôi, đúng không?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật Giáo dục: "Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp".
Như vậy, với tất cả các trường hợp không qua học tập, đào tạo, thi cử mà có chứng chỉ thì chứng chỉ đó được xác định là chứng chỉ giả. Người có hành vi sử dụng bằng giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Về xử phạt hành chính: Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
Theo quy định này thì người mua, sử dụng chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu chứng chỉ giả đã mua.
- Về xử lý hình sự: Trong trường hợp việc mua chứng chỉ giả đủ yếu tố cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), cụ thể:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm…
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4 đến 7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.
Theo vnexpress
.