Có được lập 'hợp đồng tình cảm' hay không?
Cập nhật lúc 09:03, Thứ hai, 26/09/2016 (GMT+7)
Tôi muốn có ràng buộc nên đã lập "hợp đồng tình cảm" với một người đàn ông trong 5 năm, nêu nhiều điều khoản liên quan trách nhiệm chăm sóc tinh thần và vật chất.
Hợp đồng được trao đổi qua email, không ký hay chứng thực. Tôi muốn hỏi, theo quy định của pháp luật thì có được lập "hợp đồng tình cảm" hay không?
Luật sư trả lời
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có loại hợp đồng nào là “hợp đồng tình cảm” hay “hợp đồng tình ái”. Tuy nhiên, tên gọi không ảnh hưởng đến bản chất pháp lý của hợp đồng. Về nguyên tắc, các bên được tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Giả định rằng có tồn tại "hợp đồng tình ái” hay “hợp đồng tình cảm” thì việc xem xét giá trị pháp lý của hợp đồng này phải căn cứ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (giao dịch dân sự), nội dung và hình thức thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 125 Bộ luật Dân sự, nếu nội dung thỏa thuận giữa các bên là phù hợp pháp luật, đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của pháp luật và giữa các bên có thỏa thuận về điều kiện cụ thể phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch, hợp đồng thì đó có thể coi là giao dịch dân sự (hợp đồng dân sự) có điều kiện.
Trường hợp nội dung thỏa thuận của "hợp đồng tình ái" mang tính chất trao đổi lợi ích vật chất để quan hệ tình dục (giao cấu) thì đó có thể là hành vi bán dâm, mua dâm (theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh phòng chống mại dâm năm 2003). Khi đó, thỏa thuận này vi phạm điều cấm của pháp luật và có thể được coi là trái đạo đức xã hội nên sẽ bị vô hiệu theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 122, khoản 1 điều 389 và điều 128 Bộ luật Dân sự.
Về hình thức hợp đồng, việc thể hiện thỏa thuận qua email cần phải xác định rõ địa chỉ email người gửi, người nhận có đúng là của họ hay không. Theo Luật giao dịch điện tử năm 2005, email nói riêng và thông điệp dữ liệu điện tử nói chung không bị phủ nhận giá trị pháp lý vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu; không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu phải được xác định căn cứ độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác (khoản 2 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử 2005).