leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: luatgia.vn 

Liên quan đến nội dung bạn hỏi, Bộ luật Dân sự năm 2015 có các quy định sau:

Điều 630. Di chúc hợp pháp

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Vì bạn không nói rõ về việc để lại di chúc miệng của ông bạn đã hợp pháp hay chưa nên chúng tôi chia vụ việc của bạn thành 2 trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu di chúc miệng của ông nội bạn là hợp pháp: Nghĩa là khi nói về việc để lại di sản là ngôi nhà này cho gia đình bạn rồi truyền lại cho bạn theo hình thức công nhận là nhà thờ họ được nói trước ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó người làm chứng ghi chép lại cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong 5 ngày di chúc này phải được công chứng hoặc chứng thực thì khi đó di chúc hợp pháp. Vì di chúc hợp pháp nên sẽ phân chia di sản thừa kế theo di chúc. Để đảm bảo di sản này là di sản thờ cúng không bị phân chia về sau thì tại thời điểm này sẽ tiến hành thủ tục khai nhận di sản là ngôi nhà này thành nhà thờ họ. Việc khai nhận di sản thừa kế có thể được tiến hành tại văn phòng công chứng hoặc tại UBND xã, phường nơi có di sản.

Thứ hai, nếu di chúc của ông nội bạn là không hợp pháp: nghĩa là khi ông bạn nói không có người làm chứng cũng không được công chứng, chứng thực bản ghi chép lại di chúc thì khi đó di chúc này không được pháp luật công nhận. Vì di chúc không hợp pháp cho nên sẽ phân chia di sản theo pháp luật, khi phân chia theo pháp luật thì sẽ phân chia theo người thuộc hàng thừa kế, người thuộc hàng thừa kế của ông nội bạn bao gồm: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi (nếu có), vợ, chồng, con đẻ, con nuôi (nếu có) mỗi người được hưởng một phần bằng nhau. Giả sử tất cả những người thuộc hàng thừa kế đều muốn để di sản này làm di sản dùng vào việc thờ cúng thì sẽ tiến hành phân chia di sản và thỏa thuận ghi nhận đây là di sản dùng vào việc thờ cúng và thỏa thuận về người quản lý di sản thờ cúng này. Khi đã có biên bản khai nhận di sản thừa kế cho một người quản lý di sản thì sẽ đảm bảo về tính pháp lý cho người quản lý di sản này. 

Luật sư: Nguyễn Thanh Huyền