Xuất xứ hàng hóa (C/O) là sự xác nhận nguồn gốc, nơi sản xuất ra hàng hóa đó theo quy định của pháp luật. Hiện nay, các nước phát triển có những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các nước đang phát triển trong việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Tổng Giám đốc Công TNHH chế biến gỗ cao cấp Hiệp Long chia sẻ: “Một lần đi hội chợ ở Mỹ, tôi vào một đại siêu thị để tìm hiểu tập quán mua sắm của người dân địa phương. Thấy chiếc áo khoác rất đẹp được trưng bày nhưng giá thật hấp dẫn tôi đã chọn mua. Khi thanh toán tiền tôi mới nhận ra bên trong có tem Made in VietNam. Trong tôi trào dâng niềm hạnh phúc và tự hào, dù lúc tôi đang ở xứ người”.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, hàng hóa do Việt Nam sản xuất đã có một vị trí xứng đáng trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là nguồn động viên to lớn để các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt tiếp tục phấn đấu vươn lên với nguồn gốc xuất xứ “Made in VietNam” của mình.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, thời gian cấp C/O hiện nay tối đa theo quy định là 3 ngày làm việc và việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là không thu phí.

Thông tin mới nhất được ông Vũ Xuân Hưởng, Phó phòng Pháp chế VCCI - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho biết hiện tại các nhà nhập khẩu EU, Mỹ đã loại trừ ưu đãi đối với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ theo quy chế ưu đãi nhưng có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Malaysia. Lý do là các nước trên không còn nằm trong danh sách các nước kém phát triển hoặc đang phát triển.

Chính vì lý do này, cộng với các quy định pháp luật về đầu tư còn nhiều kẽ hở nên không ít doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đã “hóa thân” thành doanh nghiệp Việt Nam để được hưởng lợi thế cạnh tranh nhờ được ưu đãi thuế quan.

Khắc phục những sai sót thường gặp

Một trong những lý do làm kéo dài thời gian thông quan, dẫn đến phiền phức, nghi kỵ cơ quan chức năng cố tình làm khó một phần là do việc kê khai nguồn gốc xuất xứ, chủng loại không đúng quy định, không đúng tên gọi. Đơn cử như sản phẩm gương (kính) có nhiều loại: Gương gắn trong khung (mirro frame) và gương không có khung (mirro); tên hàng là giày dép (shoes) nhưng khi làm hồ sơ khách hàng lại ghi tên thương hiệu Adidas, Nick… là không đúng.

Ông Vũ Xuân Hưởng cũng cho biết, một số doanh nghiệp có ý kiến rằng những trường hợp hàng hóa mua tại Việt Nam có đủ cơ sở để xác định hàng hóa đó xuất xứ từ Việt Nam; hàng hóa được mua bán qua nhiều trung gian, có nguồn gốc rõ ràng, có đủ cơ sở để xác định xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên những hàng hóa này vẫn không đủ cơ sở, bởi vì hàng hóa mua tại Việt Nam nhưng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để bán thì không thể nói hàng hóa đó có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Tương tự, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng và được mua bán nhiều lần cũng chưa đủ cơ sở xác định. Đối với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam chỉ được coi là một trong những cơ sở để xác định xuất xứ.

Ông Hưởng cũng dẫn ra nhiều nhầm lẫn trong kê khai như: Tên và địa chỉ người mua khác với tên và địa chỉ nước nhập khẩu; kết thúc phần kê khai là chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền phải là chữ ký “sống” không được sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký dấu, chữ ký photo hoặc lăn tay. Bởi vì các công cụ trên chưa được pháp luật quy định. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng “lăn tay” là không có thể bắt chước, copy được. Điều này không còn đúng, vì kẻ xấu có thể lợi dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để “người chết lăn tay” bất cứ ở đâu.

 

Theo Báo Bình Dương

.