Theo chuyên gia, nguồn gốc chính các bất ổn về kinh tế, nợ công tăng, bội chi ngân sách tăng… do doanh nghiệp chưa “khỏe” cả lượng lẫn chất.

 


Để hỗ trợ cho đội ngũ doanh nghiệp tăng lực, ông Thành đề nghị: Về cơ cấu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh, không phải bằng biện pháp hành chính mà phải dùng công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, tín dụng cần tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đặc biệt, cần giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cũng cần xây dựng hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để làm được việc đó, theo ông Thành, các bộ, ngành, địa phương “phải nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ, hiện đại theo hướng tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường. Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ mở được thành lập và hoạt động tại Việt Nam càng nhiều càng tốt.

Ông Thành cũng khẳng định rằng, những giải pháp đã và đang triển khai để “tăng lực” cho doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ, nhưng cần phải được thực hiện quyết liệt và nhất quán, hiệu quả hơn nữa.

Doanh nghiệp Việt vẫn cứ “loay hoay” lên đường hội nhập

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), sắp tới là những FTA thế hệ mới với Hoa Kỳ, EU… Các Hiệp định này được đánh giá là mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt.

Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết trong đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Song đến thời điểm hiện này, theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Hơn 2 thập kỷ hội nhập, doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay”. Thách thức nhãn tiền đối với đội ngũ doanh nghiệp Việt khi ra “biển lớn hội nhập” là: Những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những Hiệp định, thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã ký kết vẫn chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trong thực tế.

Dẫn chứng thực tế, ông Tuấn chỉ ra: Với thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự “tấn công” nhanh của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Còn doanh nghiệp Việt cứ vẫn đang loay hoay, lúng túng tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và thực thi các cam kết hội nhập

Trước thực trạng này, ông Tuấn kiến nghị: Muốn doanh nghiệp Việt có đủ lực hội nhập một cách hiệu quả, ngoài việc doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa thì rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bởi doanh nghiệp nước ta đa số vốn còn nhỏ, kinh nghiệp cũng chưa nhiều, trong khi đối thủ cạnh tranh trên trường quốc tế đều dạng “sừng sỏ”.

Vì thế, Nhà nước cần hỗ trợ về cơ chế để có các tổ chức đại diện mạnh và doanh nghiệp cần Nhà nước thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập.

Cụ thể, cần sớm hoàn thiện pháp luật về Hội, chuyển giao dần các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực thi quy định doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật nội địa.

Công khai, minh bạch nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết FTA để người dân, doanh nghiệp thuận lợi nắm bắt, thậm chí gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong việc công khai thông tin này. Đồng thời, thiết lập các đầu mối có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung các cam kết một cách chính thức cho các doanh nghiệp.../.
 

Theo VOV

.