(BVPL) - Chiều ngày 22/11 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Truyền thông - Dịch vụ truyền hình Việt Nam và Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã tổ chức buổi Gặp gỡ báo chí về chương trình “Thương hiệu Truyền thống và Báu vật gia truyền” Việt Nam 2012. Tham dự buổi gặp gỡ có đại diện các bộ ngành, các nghệ nhân, lương y, doanh nhân và gần 20 phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

 
Chương trình tôn vinh Thương hiệu truyền thống và báu vật gia truyền Việt Nam 2012 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, nghệ nhân, doanh nhân, danh y có thương hiệu truyền thống và gia truyền nổi tiếng trong cả nước trong các lĩnh vực: Đông y, nghề gia truyền, làng nghề, ẩm thực…
 
 
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – Trưởng ban cố vấn Chương trình nhận định: “Việt Nam là một quốc gia có hệ thống các làng nghề truyền thống đa dạng và phong phú kết hợp cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc độc đáo phù hợp cho loại hình này. Làng nghề truyền thống Việt Nam chính là sự gắn bó tồn tại và phát triển cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, nó mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa Việt Nam. Sản phẩm làng nghề vừa độc đáo, mang đậm dấu ấn và tình cảm của người Việt và của từng dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc anh em hợp thành. Các sản phẩm làng nghề là đối tượng tài nguyên du lịch có giá trị về kinh tế, văn hóa, vui chơi giải trí và hàng lưu niệm cho khách du lịch chính là sản phẩm thủ công mỹ nghệ”.
 
 
Trải qua hàng ngàn năm tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm, ngành y học cổ truyền của chúng ta rất phong phú đa dạng, trở thành một ngành nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ việc sử dụng cây cỏ, thú trùng sẵn có trong thiên nhiên, qua chế biến, sao tẩm, gia giảm thành bài thuốc chữa bệnh, đến nay trong dân gian còn có rất nhiều bài thuốc gia truyền quý báu được lưu truyền qua nhiều đời. Thực hiện theo Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/07/2008 của Ban Chấp hành TW Đảng về việc phát triển nền đông y Việt Nam trong tình hình mới, đẩy mạnh phát triển nền đông y Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam. Cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
 
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty CP Truyền thông – Dịch vụ Truyền hình Việt Nam – Trưởng ban tổ chức cho biết, hiện tại đã có gần 100 tổ chức, cơ sở có nghề gia truyền tham gia, trong đó có rất nhiều thương hiệu gia truyền nổi tiếng. Điển hình phải kể đến: Lương y Bạch Tuyết ở Hà Nội với bài thuốc chữa hen; ông Khăm Phết Lào ở Tây Nguyên với bài thuốc gia truyền A Ma Kong, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh ở làng lụa Vạn Phúc, Nghệ nhân Đào Đức Cơ với sản phẩm hương trầm Thế Hưng nổi tiếng…
 
Hội đồng bình xét gồm các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín sẽ tham gia bình chọn để chọn ra các thương hiệu tiêu biểu để tôn vinh trong chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam dự kiến diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội vào đầu tháng 12 năm nay.
 
ĐHS.