Ban lãnh đạo Chi cục có sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động của đơn vị trên các lĩnh vực công tác quản lý đê điều, công tác phòng, chống thiên tai và công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và một số nhiệm vụ đột xuất khác. Tập thể CC,VC,NLĐ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nội quy, quy chế của cơ quan, của ngành, toàn thể cán bộ hăng hái hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hoá công nghiệp” “Kỷ cương Hành chính” gắn với thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao, chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Mặc dù Luật Đê điều qua hơn 10 năm thực hiện đã phát huy tác dụng tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho mọi hoạt động của công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, đầu tư xây dựng hệ thống đê điều, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý thức bảo vệ hệ thống đê điều, cũng như khai thác, sử dụng hệ thống đê điều cho phát triển kinh tế, xã hội. Song, còn có những điều khoản khó áp dụng vào thực tiễn, cần được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung để Luật phát huy tác dụng hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 (thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2017. Nghị định đã khắc phục được một số hạn chế, bất cập của Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã gặp phải một số khó khăn như: Nghị định không ban hành kèm theo các biểu mẫu: Biên bản, Quyết định… áp dụng cho lĩnh vực chuyên ngành; Tại Điểm b, Khoản 6 Điều 20: Phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều. Trong khi đó không quy định cụ thể về tính chất, quy mô công trình, như vậy đối với trường hợp xây dựng công trình có tính chất đơn giản, quy mô nhỏ: xây tường rào, bậc, dốc lên xuống đê… rất khó xử lý vì liên quan đến thẩm quyền xử phạt (trên 50 triệu thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp tỉnh).

leftcenterrightdel
 Xử lý kè chống sạt lở cho hệ thống đê điều Hà Nội

Việc điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn Thành phố để phù hợp với định hướng chung tại Quyết định số 257/QĐ-TTg Ngày 18/02/2016 và Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành, Chi cục gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm và xử lý vi phạm, cũng như trong công tác thỏa thuận, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng vùng bãi sông cho phát triển kinh tế, xã hội.

Công tác quản lý trật tự xây dựng ở một số quận, huyện ven đê còn chưa chặt chẽ, thậm chí coi việc xử lý, giải toả vi phạm pháp luật về đê điều chỉ là hình thức, xử lý không dứt điểm, dẫn đến vi phạm lại tái diễn, coi thường pháp luật; đặc biệt là tình trạng cho các tổ chức, cá nhân thuê đất sai quy định, trái thẩm quyền; tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, khai thác cát không phép, trái phép; tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê đã làm cho nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm lòng sông, bãi sông với quy mô lớn… ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Mặc dù vậy, năm 2018 Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội vẫn đạt được kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực:

 Công tác phòng, chống thiên tai:

Chi cục đã tham mưu UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố các văn bản liên quan đến công tác PCTT và TKCN năm 2018: Chỉ thị, Quyết định thành lập BCH, xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của BCH, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên BCH, Quyết định thành lập và quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng BCH… và tham mưu công tác thi đua khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCTT năm 2017.

Xây dựng Phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm năm 2018 của thành phố Hà Nội; tham mưu thành lập BCH và quyết định phê duyệt phương án Phòng, chống lụt bão công trình Cống Liên Mạc, Cống Long Tửu năm 2018.

Xây dựng chương trình công tác và tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai; đôn đốc các quận, huyện, các sở ngành chủ động lập và phê duyệt phương án PCTT; thực hiện đề án 1002 phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, đào tạo cơ chế chính sách tuyên truyền rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Năm 2018, đã tổ chức được 43 lớp tại các huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn; phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền về pháp luật đê điều và công tác công tác PCTT trên địa bàn thành phố.

Chuẩn bị văn bản, tài liệu và các điều kiện phục vụ Hội nghị, cuộc họp: Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác PCTT năm 2018; hội nghị Triển khai công tác PCTT và TKCN tới các xã, phường, thị trấn năm 2018; hội nghị thông tin báo chí Thành ủy... và các hội nghị đột xuất của Thành phố, Trung ương.

Đôn đốc quận, huyện xây dựng kế hoạch thu, nộp Quỹ PCTT năm 2018 và tổng hợp, xây dựng kế hoạch thu, nộp và sử dụng Quỹ PCTT thành phố Hà Nội năm 2018 trình UBND Thành phố phê duyệt. Tham mưu UBND Thành phố và Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thu và quản lý Quỹ PCTT. Giá trị tổng thu Quỹ PCTT tính đến T12/2018 xấp xỉ 47 tỷ đồng.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h kể từ ngày 15/5/2018 tại Văn phòng BCH PCTT và TKCN Thành phố và trụ sở các Hạt Quản lý đê để theo dõi, cập nhật, tổng hợp số liệu và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố.

Tham gia Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê phòng chống lụt bão cho cán bộ làm công tác PCTT và lực lượng chuyên trách quản lý đê điều năm 2018 (vào ngày 21-22/6/2018) do Tổng Cục PCTT tổ chức.

Công tác quản lý đê điều:

Trực tiếp quản lý hơn 404 km đê, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục, được lãnh đạo Chi cục hết sức quan tâm chỉ đạo triển khai, thực hiện và đạt được kết quả những cụ thể trong các nội dung sau:

 Trong năm 2018, trên địa bàn thành phố phát sinh 55 sự cố đã được phát hiện và báo cáo đề nghị xử lý kịp thời (trong đó: 09 sự cố về kè; 05 sự cố sạt lở bờ sông; 15 sự cố về đê; 08 sự cố về cống; 18 sự cố tràn đê). Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông được thực hiện thường xuyên, các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời và được UBND Thành phố cho lập dự án đầu tư xử lý.

Tham mưu dự thảo cho UBND Thành phố 41 văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT xin ý kiến thoả thuận về hoạt động liên quan đến đê điều trước khi cấp phép và ban hành 48 quyết định cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều; tham mưu, ban hành 1118 văn bản trong đó tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 203 văn bản, Chi cục  ban hành 915 văn bản về thỏa thuận hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn Thành phố; tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ, giám sát tốt việc thực hiện các nội dung trong giấy phép của các công trình được thỏa thuận, cấp phép hoạt động có liên quan đến an toàn đê điều.

Trong quá trình tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT và trực tiếp cấp phép của Chi cục chưa để xảy ra sai sót hoặc gây khó khăn cho đơn vị, cá nhân xin thỏa thuận cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều.

Là địa bàn Thủ đô có tốc độ phát triển kinh tế xã hội cao, có giá trị đất đai lớn cùng hệ thống đê điều nhiều do đó tình hình vi phạm pháp luật xảy ra khá phổ biến và có tính chất phức tạp. Năm 2018, trên địa bàn toàn Thành phố xảy ra 197 vụ vi phạm Luật Đê điều, tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm 2017 ( năm 2017: 190 vụ).  Chi cục đã chỉ đạo, đôn đốc các Hạt Quản lý đê tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm; đề nghị các cấp chính quyền  kịp thời xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Lãnh đạo Chi cục được phân công phụ trách địa bàn, thường xuyên xuống địa bàn trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý. Tuy nhiên, kết quả xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm còn thấp, chính quyền các quận, huyện, thị xã đã xử lý được 31 vụ. Số vụ vi phạm phát sinh còn tồn đọng là 166 vụ.

Công tác đôn đốc xử lý vi phạm: Tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội 46 văn bản, Chi cục 129 văn bản về báo cáo, đôn đốc, chỉ đạo xử lý vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai.

Công tác ngăn chặn xe quá tải đi trên đê: Trước tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên một số tuyến đê Thành phố, Chi cục đã trình Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội thành lập Tổ Công tác kiểm tra, ngăn chặn xử lý xe quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đê Hữu Hồng huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên; tuyến đê tả Đáy huyện Hoài Đức; tuyến đê tả Hồng, tả Đuống huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm,thành phố Hà Nội (Quyết định số 1769/QĐ-SNN ngày 27/9/2018).

Công tác ngăn chặn trồng rau màu trên mái đê: Chi cục đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện văn bản số 63/CCĐĐ-QL ngày 18/01/2017 về công tác xử lý vi phạm trồng cây, rau màu trên mái đê, mái kè, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, Chi cục đã yêu cầu các đơn vị nhận đặt hàng thực hiện nhiệm vụ phát quang mái và chân đê, bảo trì cỏ kỹ thuật trên đê, phối hợp với Hạt Quản lý đê xử lý vi phạm trồng rau màu trên mái đê, mái kè. Trong năm 2018, tình trạng trồng rau màu trên mái đê đã giảm, tuy nhiên tại một số quận, huyện tình trạng trồng rau màu trên mái đê vẫn còn tồn tại.

Công tác thực hiện các dự án:

UBND Thành phố đã có Quyết định số 8586/QĐ-UBND ngày 08/12/2017 về việc phê duyệt phương án đặt hàng duy tu sửa chữa một số hạng mục đê điều.

Chi cục đã trình sở phê duyệt dự toán (chi tiết theo quý, chi tiết từng nội dung đặt hàng); ký hợp đồng với các đơn vị đã được UBND Thành phố chỉ định; triển khai công tác duy trì, chăm sóc, bảo vệ tre chắn sóng và bảo trì cỏ kỹ thuật trên đê; tổ chức giám sát nghiệm thu khối lượng và tạm ứng, thanh toán, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh tế, phù hợp với dự toán đã giao.

Tổng cục PCTT đã có Quyết định số 326/QĐ-PCTT-QLĐĐ ngày 11/7/2018 về việc phê duyệt dự án; Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định: Phê duyệt nhiệm vụ, phương án và dự toán khảo sát; Phê duyệt chỉ định thầu: Tư vấn lập dự án, Tư vấn lập TKBVTC-DT, Tư vấn lập HSMT, Tư vấn Giám sát thi công; Phê duyệt dự toán gói thầu (13 Gói thầu xây lắp) và Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; tổ chức giám sát nghiệm thu thi công 13 gói thầu xây lắp. Trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, phê duyệt quyết toán; hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán đúng quy định.

 Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, số 1821/QĐ-TTg ngày 07/10/2014 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 6066/BNN-TCTL ngày 17/7/2016, UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiêt của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được thực hiện trên cơ sở điều tra, khảo sát kỹ tình hình thực tế, kết hợp ứng dụng công nghệ tính toàn dòng chảy 2 chiều để phân tích trường vận tốc dòng chảy trên các khu vực bãi sông; cập nhật, xem xét kết nối, thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch giao thông và các quy hoạch chuyên ngành khác; thực hiện đúng quy định của Luật Đê điều, Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Đề cương nhiệm vụ, dự toán dự án được UBND Thành phố phê duyệt. Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiêt của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được 05 Sở ngành và 19 quận huyện của Thành phố cho ý kiến; nhận được ý kiến bằng văn bản của 6 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vân tải và 8 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam; được Tổ công tác phối hợp thực hiện Quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT, của UBND thành phố Hà Nội tham gia và cho ý kiến ngay từ đầu; được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức phản biện xã hội và đã được tổng hợp ý kiến số 19/TH-MTTQ-BTT ngày 16/11/2017.

PV