Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 là những đạo luật đánh dấu sự quyết tâm cải cách pháp luật đối với doanh nghiệp, thể hiện ý chí của cộng đồng kinh doanh.

 


Tuy nhiên, một trong những vấn đề tồn tại đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đó là tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn chưa được điều chỉnh hoàn thiện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của luật này.

Mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật

Các chuyên gia kinh tế cho biết, Luật Đầu tư đã cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành; đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư cũng giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như giải trình kinh tế-kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện.

Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đơn cử cho tình trạng này là gần đây, vẫn còn nhiều nhà đầu tư than phiền về việc nhiều quy định trong hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi trên thực tế không được thực hiện vì các quy định chuyên ngành chưa được chỉnh sửa gây ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.

Cụ thể, sự chậm trễ này đã dẫn tới việc đình trệ các thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ. Nguyên nhân do Nghị định 23/2007/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa vẫn đang có hiệu lực, yêu cầu cơ quan đăng ký đầu tư phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương.

Cơ quan đăng ký đầu tư chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa nếu được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết việc kinh doanh theo đúng ngành nghề ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được bãi bỏ từ ngày 1/7/2015.

Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà luật không cấm; đồng thời, dấu do doanh nghiệp sử dụng mà chưa đăng ký thì dấu đó vẫn được coi là hợp pháp và chỉ vi phạm thủ tục hành chính về thông báo mẫu dấu.

Theo ông Hiếu, nếu chỉ tuân thủ đúng Luật Doanh nghiệp 100% thì mức độ quản trị chỉ đạt ở mức độ trung bình. Do đó, cần phải áp dụng thực tiễn quản trị tốt, hiểu rõ giá trị của quản trị tốt và nâng cao vai trò ban kiểm soát trong giám sát doanh nghiệp…

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng quy định mới về con dấu cũng là một cải cách lớn của Luật Doanh nghiệp nhưng cần có thêm thời gian và lộ trình để giảm dần sự lệ thuộc vào con dấu.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại như chậm ban hành nghị định hướng dẫn luật; áp lực triển khai tại cơ quan đăng ký kinh doanh và một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời…

Gần đây, tình trạng không thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư và sản xuất kinh doanh cũng là quan ngại lớn mà các doanh nghiệp Nhật Bản, đã phản ánh trong kết quả Báo cáo Điều tra thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam 2015 được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố.

Theo đó, trên 60% số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia điều tra đã bày tỏ gia tăng lo ngại rủi ro về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch làm gia tăng mức độ rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam.

Ông Kawada Atsusuke, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội, cho rằng vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là việc giải thích luật giữa các bộ ngành, địa phương và cán bộ phụ trách không giống nhau, thể hiện sự không đồng bộ và nhất quán trong hệ thống luật pháp chính sách nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tính đến nay, việc triển khai thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được tám tháng, song trên thực tế theo đánh giá mới đây của Tổ Công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, việc bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các văn bản pháp luật vẫn chưa có sự tiến triển rõ rệt và đồng bộ từ hầu hết các bộ ngành có liên quan. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, gây vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Sớm được tháo gỡ

Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Công ty Luật NH Quang và cộng sự trình cho biết, việc bãi bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp là một cải cách đột phá trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Tuy nhiên, ông Quang cũng cho biết một số khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư như khó khăn trong việc khắc thêm dấu đối với những doanh nghiệp hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư cũ; trong vòng 10 ngày những doanh nghiệp có nhiều cổ đông hoặc các cổ đông cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau khó có thể hoàn thành các loại giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh, hay khó khăn trong các thủ tục hành chính…

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc minh bạch hóa các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong hệ thống pháp luật khó có thể thực hiện được nếu Luật Đầu tư không kịp thời cập nhật và bổ sung; khó khăn trong việc kiểm soát xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh phù hợp với các mục tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng đề xuất cần xây dựng cơ chế kiểm soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả; rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, việc thi hành các luật này cũng sẽ bắt đầu phát sinh các vướng mắc mới, đòi hỏi phải xem xét giải quyết để bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiến sỹ Lê Dăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định trong quá trình triển khai luật vẫn còn một số vướng mắc trong việc điều hành phối hợp giữa các cơ quan. Qua đó, ông đề xuất nên sớm giải quyết những vướng mắc tránh việc gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Trưởng ban thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, chính những bất cập đang gây ra bức xúc và cản trở mà đối tượng chịu chính vẫn là doanh nghiệp và người dân.

Để các luật này được thực thi một cách hiệu quả cần sự hỗ trợ và tham dự tích cực từ nhiều phía, đó là các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan; đồng thời, với vai trò là cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, CIEM sẽ cố gắng tích cực đưa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vào thực tiễn và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.