Ngày 13/4, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; Ủy ban Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HaUI.

Hội thảo thu hút hơn 500 sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tham gia.

Qua hội thảo tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được tiếp thu thêm lượng kiến thức bổ ích về bán hàng đa cấp chính thống và bất chính, từ đó, giúp sinh viên bảo vệ bản thân trước những chiêu trò của một số hệ thống bán hàng đa cấp lừa đảo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong toàn xã hội.

Song song với các công ty đa cấp chính thống thì vẫn còn tồn tại nhiều hệ thống đa cấp bất chính và sinh viên đang trở thành đối tượng tấn công của loại hình này.

leftcenterrightdel
Diễn giả Hoàng Thị Thu Trang, Đại diện Ủy Ban Cạnh tranh Quốc Gia, Bộ Công Thương trình bày tham luận “Nhận diện hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính”. Ảnh: HaUI.

Về các biểu hiện của đa cấp bất chính, bà Hoàng Thị Thu Trang cho biết, các công ty đa cấp bất chính thường đưa ra những lời mời chào hấp dẫn như bạn chỉ cần ngồi nhà mà thu nhập hàng tháng vẫn là một khoản lớn; yêu cầu mua sản phẩm hay trả một khoản tiền để tham gia mạng lưới; tập trung vào tuyển dụng bằng cách người tham gia phải thuyết phục được người khác tham gia bằng cách đưa ra các thông tin gian dối, gây nhầm lẫn; quảng cáo quá phô trương về công dụng sản phẩm,…

leftcenterrightdel
Diễn giả Nguyễn Phương Sơn, Trưởng ban Truyền thông và đối ngoại, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: HaUI.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Sơn đã chia sẻ sổ tay sinh viên với 10 khuyến nghị về kinh doanh đa cấp và để tránh đa cấp bất chính tại Việt Nam.

Thứ nhất, với sinh viên, ưu tiên số một vẫn là việc học, việc tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp chỉ là cơ hội kiếm thêm thu nhập chứ không được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai, các bạn sinh viên chỉ nên tham gia vào các công ty đa cấp đã được Bộ Công Thương cấp phép và sau khi đã tìm hiểu những thông tin chính thống và được kiểm chứng về tính hợp pháp, chương trình trả thưởng và đọc kỹ các điều khoản hợp đồng. Các điều khoản này được công khai trên trang web của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng như trang web của chính công ty đó.

Thứ ba, đối với kinh doanh đa cấp chân chính, việc ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp và tham gia là hoàn toàn tự nguyện và không phải trả bất cứ một chi phí nào. Khi tham gia rồi, nhà phân phối hoàn toàn có thể có quyền chọn lựa có hoặc không thực hiện kinh doanh và mua bán hàng hóa.

leftcenterrightdel
 Ban tổ chức tặng quà lưu niệm các diễn giả. Ảnh: HaUI.
leftcenterrightdel
 Sinh viên tham gia hội thảo nhận quà lưu niệm. Ảnh: HaUI.

Thứ tư, nếu đã mua hàng hóa thì có thể hoàn trả trong thời gian công ty đa cấp đã đăng ký với Bộ Công Thương kể từ ngày xuất hóa đơn VAT để lấy lại tiền (có trừ thuế hoặc khuyến mại nếu có) hoặc đổi các hàng hóa tương đương.

Thứ năm, tất cả hàng hóa kinh doanh phải là sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được các cơ quan Nhà nước cấp phép lưu hành và cấp giấy phép quảng cáo như là "thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…".

Thứ sáu, đối với tất cả các công ty kinh doanh đa cấp chân chính và được cấp phép hiện nay, nếu muốn có thu nhập và thu nhập tốt, nhà phân phối phải làm việc chăm chỉ trong việc bán hàng, không có chuyện không làm gì mà có thu nhập.

Thứ bảy, nhà phân phối chỉ có thu nhập (hoa hồng) phụ thuộc trực tiếp vào việc bán được sản phẩm thực tế đến tay người tiêu dùng.

Thứ tám, hãy tham gia các công ty có chương trình đào tạo nhà phân phối tốt. Muốn thực hiện chức năng bán hàng một cách tốt nhất, doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần phải đào tạo kỹ càng cho nhà phân phối của mình để họ hiểu về sản phẩm và có kỹ năng bán hàng tốt.

Thứ chín, chương trình trả thưởng là tài liệu quan trọng nhất để phân biệt đa cấp bất chính. Nếu công ty nào không có chương trình trả thưởng rõ ràng hoặc không trả thưởng như cam kết là có dấu hiệu bất chính.

Thứ mười, sinh viên cần hết sức cẩn trọng với các hoạt động đầu tư tiền, kinh doanh tiền ảo, dịch vụ, bất động sản, dịch vụ giáo dục, thương mại điện tử lợi dụng mô hình đa cấp… rầm rộ trên các mạng xã hội hiện nay vì nguy cơ vướng vào đa cấp bất chính đối với các mô hình này rất cao.

Khánh Hân