Sẽ xử lý việc trốn đóng BHXH với lao động từ 1 - 3 tháng
Cập nhật lúc 23:22, Thứ tư, 27/06/2018 (GMT+7)
Ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, doanh nghiệp có nhiều hình thức lách trốn đóng BHXH khi chuyển qua hình thức hợp đồng vụ việc, đại lý, thuê khoán…
Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, từ ngày 1/1/2018, lao động ký hợp đồng từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc, tuy nhiên nhiều người sử dụng lao động đang tìm cách lách trốn đóng BHXH bằng cách chuyển sang các hình thức hợp đồng sử dụng lao động khác.
Do đó, tại hội thảo xác định nội dung lớn sửa đổi Luật Lao động mới đây, ông Mai Đức Thiện đề xuất tại chương Hợp đồng lao động tại Luật Lao động sửa đổi cần nghiên cứu kỹ để ngăn chặn hiện tượng trên. Đặc biệt là, với hình thức cho thuê lại lao động, thì cần nhận diện bản chất quan hệ này, để từ đó có những quy định cụ thể, hạn chế tình trạng lách luật, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Bên cạnh đó, theo Vụ Pháp chế, hợp đồng lao động trong Luật Lao động cũng phải xác định rõ loại hình lao động không thời gian (hình thức làm việc theo giờ) đang khá phổ biến, trong đó xác định cụ thể thời gian của dạng lao động này, đảm bảo tiền lương và tham gia BHXH…
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số lao động theo dạng hợp đồng từ 1 tháng đến 3 tháng có khoảng 2 triệu người. Tuy nhiên, thống kê của ngành BHXH, mới chỉ có khoảng 8.000 lao động theo thời hạn từ 1-3 tháng được chủ doanh nghiệp kê khai đóng BHXH. Số còn lại không được khai báo hoặc chuyển sang hình thức hợp đồng vụ việc, đại lý…
“Trong thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phối hợp với các sở ngành tại địa phương rà soát thống kê để có con số cụ thể về số lao động làm việc từ 1-3 tháng để có hình thức xử lý”, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
P.L