Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp trong khu vực này sẽ giảm gần 1.000, thay vì hơn 1.200 đơn vị hiện nay.

 


“Thời gian qua, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Sắp tới sẽ đẩy nhanh hơn”, Phó Thủ tướng khẳng định. Năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 34 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2013, con số này chỉ dừng ở gần 100 doanh nghiệp, so với kế hoạch là 175.

Tại diễn đàn, nhóm công tác thị trường vốn đã đưa ra một số khuyến nghị để đẩy nhanh cổ phần hóa, trong đó có giảm tỷ lệ sở hữu ở các ngành không nhạy cảm như hàng tiêu dùng, phân bón... "Bán một phần các doanh nghiệp sẽ giúp ngân sách Nhà nước thu được một khoản lớn trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu từ những nguồn khác", nhóm nhận định

Tổng giá trị thị trường của phần vốn nhà nước tại 11 công ty trong nhóm 20 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM là 14,8 tỷ USD, chiếm 38% vốn hóa của cả sàn. Riêng phần sở hữu trên 50% của nhóm 11 công ty này có giá trị 4,4 tỷ USD, ông Terry Marhony - Trưởng nhóm dẫn chứng.

Tại VBF năm nay, tiến độ cải cách doanh nghiệp Nhà nước đã trở thành chủ đề nóng được các chuyên gia bình luận. Theo ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore, nhiều doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động thiếu hiệu quả, phát sinh lỗ.

"Được biết, dư nợ trong nước của các doanh nghiệp Nhà nước đã lên tới khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó 20-30% là nợ không thể hoàn trả. Khi doanh nghiệp Nhà nước trở thành gánh nặng thì cải cách khu vực này là đòi hỏi thiết yếu để kinh tế Việt Nam đi đúng hướng", ông Chung cho hay.

Do vậy, vị này đề xuất Chính phủ cần có những cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch với doanh nghiệp Nhà nước nhằm cạnh tranh bình đẳng với tư nhân, trong đó, với vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp phải đảm bảo khu vực này hoạt động hiệu quả, bền vững.
 

Theo VnExpress

.