Sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là chuyên đề duy nhất được Quốc hội lựa chọn để giám sát tối cao năm 2018.

 


Việc sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vừa qua được đánh giá là quá chậm. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016 chỉ có 56 doanh nghiệp cổ phần hóa được phê duyệt, rất thấp so với mức trung bình 118 doanh nghiệp 5 năm trước đó.

4 tháng đầu năm 2017, mới có 9 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, thoái vốn thu về 14.200 tỷ đồng; 41 doanh nghiệp mới được công bố giá trị doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 9/6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi, có hay không do lợi ích nhóm, tư tưởng biến công thành tư của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, là lý do cản trở việc cổ phần hoá khối doanh nghiệp này lâu nay?

“Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm phần nhiều do sự thiếu kiên quyết, có tâm lý chờ đợi cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc chậm xử lý số dự án thua lỗ lớn cũng làm quá trình cổ phần hóa chững lại”, đại biểu Hoàng Văn Hùng nhận xét.

Cũng theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vào dự thảo nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.

Theo giải trình của Uỷ ban Thường vụ, việc bổ sung này dựa trên ý kiến của nhiều đại biểu và theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.

Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã từng được tiến hành hai lần trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII. Sau khi sửa Nghị quyết 35 thì việc này chỉ được tiến hành duy nhất một lần vào kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ.
 

Theo Anh Minh/vnexpress

.