Ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quảng Phú là xã miền núi, thường xuyên ảnh hưởng lũ lụt của huyện Thọ Xuân, tổng diện tích tự nhiên là 1.706 ha có 15 thôn công giáo, với 1.842 hộ dân/ 6.803 nhân khẩu, trong đó  95%  giáo dân, thuần nông. Năm 2011 bình quân thu nhập đạt 9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,2%, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 80%. Hầu hết cơ sở vật chất các trường học chưa đạt chuẩn, nhà văn hóa, khu thể thao còn thiếu, công sở làm việc chưa đáp ứng nhu cầu; Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất và đi lại mới đáp ứng được 20% so với yêu cầu.

leftcenterrightdel
Trung tâm xã Quảng Phú 

Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, điều hành xây dựng NTM của cấp trên Ban thường vụ Đảng ủy xã đã chủ động chỉ đạo thực hiện theo trình tự. Việc đầu tiên là tổ chức tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được thực hiện đồng bộ từ xã đến thôn, ở các ngành, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn xã để nhân dân thấy được vai trò chủ thể của mình và ý nghĩa của chương trình. Cùng với những cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện về hỗ trợ vốn xây dựng NTM, Quảng Phú đã xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ kích cầu các thôn toàn bộ xi măng và hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng mới nhà văn hóa thôn. Hỗ trợ xi măng cho các thôn xây dựng đường, lề đường, kênh mương và tổ chức truyền thông, đào tạo, tập huấn các mô hình làm kinh tế giỏi…

Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu và đến năm 2017 chỉ còn 2,6%, theo đó bộ mặt nông thôn ngày một thêm khang trang, đổi mới toàn diện.

leftcenterrightdel
Một góc khu dân cư Quảng phú 
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đã thực hiện: 153,35 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện: 25,5 tỷ đồng, chiếm 16,62%; Ngân sách xã: 13,21 tỷ đồng, chiếm 8,62%; Các công ty doanh nghiệp nhà hảo tâm, con em địa phương xa quê ủng hộ cho thôn và xã 6,5 tỷ đồng, chiếm 4,04%. Nhân dân đóng góp: 12,94 tỷ đồng, chiếm 8,43%. Vốn nhân dân đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, công trình phụ trợ 95,5 tỷ đồng, chiếm 62,27%.

Ông Phạm Văn Quyết cho rằng: để một xã nghèo năm 2011 thu nhận chỉ 9 triệu đồng/người/năm đến 2018 đạt 34 triệu đồng/người/năm, cuối năm 2018, xã Quảng Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 34 triệu đồng là cả vấn đề lớn. Bài học thành công được đúc rút như sau: Một là làm  tốt công tác tuyên truyền vận động, để mọi người hiểu rõ mục tiêu của xây dựng NTM  là phát triển kinh tế, văn hóa xã hội theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân. Hai là Cấp uỷ Đảng, chính quyền phải chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn. Các bước tiến hành được tính toán  khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát. Ba là thực hiện chủ trương xã hội hóa “Lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước. Bốn là phải xác định rõ xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ đó tạo ra khối đoàn kết để xây dựng thành công nông thôn mới.  

Để phát triển bền vững, Quảng Phú tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất. Cơ giới hoá đồng bộ, xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu lớn, xây dựng mô hình công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện về đất đai để HTX, các doanh nghiệp liên kết tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Theo đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp uỷ Đảng và Chính quyền từ xã đến thôn, xem việc xây dựng NTM mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ và có tính kế thừa cho nhiệm kỳ sau.

Phạm Ngọc