Miễn thuế, giảm thuế... để hút vốn từ nhà đầu tư ngoại đang là một thực tế mà nhiều địa phương triển khai. Nhưng cách làm này liệu có bình đẳng đối với doanh nghiệp nội? Một số doanh nghiệp ngoại đã đến rồi đi sau khi hết ưu đãi, chuyển phần lãi ra ngoài để trốn thuế là một thực tế đang diễn ra.

Việc trốn thuế chuyển giá từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực ra đã được bàn khá nhiều. Một con số chưa được kiểm chứng từng được đưa ra làm nhiều người giật mình, năm 2013 con số chuyển giá của khối doanh nghiệp này tăng lên thành 8,3 tỷ USD và năm 2014, năm 2015 còn cao hơn nữa.

Phần lớn các hoạt động chuyển giá xuất phát từ việc doanh nghiệp muốn chuyển lợi nhuận về nước để được hưởng thuế suất thấp hơn!

Cũng theo thống kê từ phía Bộ Tài chính, hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; trong đó có tới 4.098 doanh nghiệp có giao dịch liên kết có giá chuyển nhượng. Thế nhưng để tìm ra được bằng chứng rất khó.

Được biết hiện nay cơ quan thanh tra thuế đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của 32 siêu thị Big C Việt Nam. Hiện nay Big C Việt Nam đã đổi chủ,từ người Pháp sang nhượng cho đại gia Thái Lan.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp FDI lớn nằm trong nghi vấn chuyển giá...  Với Coca Cola đã có thâm niên kinh nghiệm 20 năm làm ăn tại Việt Nam. Song cũng như nhiều DN xuyên quốc gia khác, Coca Cola luôn luôn báo cáo lỗ, điều này đã giúp họ tránh được việc đóng thuế cho nước sở tại. Trong năm 2010, hãng này đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam. Còn dữ liệu phía Cục Thuế TP. HCM cho biết, đến cuối năm 2012 số tiền lỗ lũy kế của Coca Cola lên tới 3.768 tỷ đồng vượt cả số tiền đầu tư ban đầu (khoảng 2.900 tỷ đồng). Chính vì lỗ nặng nên DN không còn thu nhập để đóng thuế. Tuy nhiên, trái ngược với cảnh thua lỗ, đại gia này vẫn kiên trì mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Bản thân lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, các hành vi gian lận thuế của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Tại khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hành vi gian lận thuế qua quy định giá chuyển nhượng rất phức tạp. Các hành vi này đã làm giảm số thu về thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Nhà nước đã khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng cách miễn thuế, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định rồi nhưng nhiều địa phương còn “hứa” miễn thuế sau khi hết quy định. Cách ứng xử như vậy là không có lợi và bất bình đẳng trong nền kinh tế, bởi doanh nghiệp của quốc gia, dân tộc đầu tư, làm ăn kinh doanh sẽ để vốn lại xây dựng đất nước, nhưng doanh nghiệp FDI lại chuyển vốn lãi ra nước ngoài, chỉ tận dụng tài nguyên, nhân công và chính sách ưu đãi trong nước. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, phải xác định thu hút FDI bằng các chính sách tạo môi trường kinh doanh chứ không thu hút mọi giá chỉ bằng chính sách ưu đãi thuế và đất đai như hiện nay. 

 

Theo Đại đoàn kết

.