Các chính sách hỗ trợ nhà nước được ban hành kịp thời

Nghị quyết 143/NQ-CP nêu rõ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại. Đồng thời, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão, theo các quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính, khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.

Ngoài ra, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Chính phủ yêu cầu phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2024 để bổ sung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các chương trình tín dụng đang được thực hiện, đặc biệt là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Giao Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở Logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Nghiên cứu việc áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

leftcenterrightdel
 Bão Yagi đã ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phía Bắc.

Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Chính phủ yêu cầu đơn vị này nghiên cứu việc gia hạn nộp BHXH đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3.

Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 25/9/2024 về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Chỉ thị cũng nêu rõ, nhiệm vụ các ngân hàng gia hạn khoản vay, miễn giảm lãi suất theo quy định. Đồng thời xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo quy định hiện hành.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất khoản vay cho doanh nghiệp

Nắm bắt được chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng gửi công văn đến các ngân hàng để xin hỗ trợ giảm lãi suất, song chưa được phúc đáp từ phía nhiều ngân hàng. Việc áp dụng giảm lãi suất nhanh chóng cũng giúp doanh nghiệp giảm tải nỗi lo, gánh nặng về chi phí sau khi bị thiệt hại bởi bão. 

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang YODY cho biết: “Theo Nghị quyết số 143 của Chính phủ và Chỉ thị số 04/CT-NHNN của Ngân hàng nhà nước về việc giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Chúng tôi cũng đã gửi công văn và báo cáo chi tiết các thiệt hại đến các ngân hàng như: Vietinbank, Vietcombank, MB, Techcombank, MSB để xin chính sách giảm lãi suất. Song, các ngân hàng vẫn đang xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên hoặc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung xác nhận bị ảnh hưởng bởi bên thứ 3 là bảo hiểm. Trong khi đó, doanh nghiệp chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác vẫn đang phải gồng gánh đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách sau bão”.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho biết: “Đối với khách hàng sản xuất kinh doanh, chúng tôi đang có những đánh giá về thiệt hại của các doanh nghiệp. Dự kiến, chúng tôi có khoảng 5 - 7 nghìn tỉ đồng dư nợ của những khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão. Đối với những nhóm khách hàng này, chúng tôi dựa vào từng đánh giá về thiệt hại và sự hỗ trợ từ phía ngân hàng thì chúng tôi sẽ giảm lãi suất từ 0,5 - 2% cho từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng có 2 gói tín dụng mới trị giá 7 nghìn tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân phục hồi, đầu tư sau bão”.

leftcenterrightdel
 Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank).

Phía Ngân hàng Vietinbank cũng cho biết, đơn vị này đã khẩn trương hỗ trợ các khách hàng khắc phục hậu quả sau bão, tiến hành thăm hỏi, động viên, rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của khách hàng và đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, tất cả các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân chịu thiệt hại từ bão Yagi hoặc có nguồn thu ảnh hưởng do bão Yagi đều được hỗ trợ giảm lãi suất lên tới 2,0%/năm cho các khoản vay vốn sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ đời sống. Chính sách hỗ trợ này áp dụng cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới đến hết 31/12/2024. Ước tính, quy mô gói hỗ trợ lên đến 100.000 tỉ đồng, góp phần giảm thiểu khó khăn, giúp ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh cho hàng nghìn khách hàng của VietinBank.

Đối với ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã nhanh chóng ban hành chính sách chia sẻ khó khăn và áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn khó khăn sau bão. Đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, lãi suất cho vay ngắn hạn được giảm tối đa 1.0%/năm, trong khi cho vay trung và dài hạn được giảm tối đa 1.5%/năm, thời gian áp dụng mức giảm này không vượt quá 12 tháng. Với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa là 2.0%/năm. Trường hợp khách hàng đồng thời áp dụng chính sách giảm lãi suất này và tham gia các chương trình ưu đãi lãi suất khác, tổng mức lãi suất giảm không vượt quá 3.0% mỗi năm đối với khoản vay không có tài sản bảo đảm và 2.0% mỗi năm đối với khoản vay có tài sản bảo đảm.

Ngân hàng SHB cũng đã chủ động liên hệ, thăm hỏi các khách hàng và rà soát các khoản vay liên quan. Có 64 khách hàng doanh nghiệp tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Tuyên Quang đã được SHB thực hiện miễn giảm lãi suất từ ngày 01/09/2024 đến hết năm 2024. Tổng số tiền lãi SHB thực hiện hỗ trợ miễn giảm cho các khách hàng ước tính gần 40 tỉ đồng, với mức giảm bình quân 50% lãi suất phải trả còn lại trong 2024, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng khách hàng. Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ do bão, SHB cũng thực hiện phương án cơ cấu lại thời thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, với tổng dư nợ 176,45 tỉ đồng, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất mà không phải lo ngại về việc gia tăng gánh nặng tài chính.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng cho biết, từ nay đến hết ngày 31/12/2024, MSB triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp với quy mô gói tín dụng 1.000 tỉ đồng. Đối tượng áp dụng là khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của MSB bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi) và khách hàng mới có nhu cầu vay vốn nhằm tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão. Dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới trong thời gian áp dụng chương trình của các nhóm khách hàng nêu trên đều được áp dụng mức lãi suất giảm 0.5%/năm đối với USD và 1%/năm đối với VNĐ.

Theo MSB, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi của chương trình đối với khách hàng được quy định như sau: từ thời điểm áp dụng tới hết thời hạn khoản vay đối với khoản vay ngắn hạn và tối đa 12 tháng, kể từ thời điểm áp dụng đối với khoản vay trung và dài hạn. Song song với các chương trình ưu đãi lãi suất, MSB cũng triển khai nhiều giải pháp tín dụng hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, cụ thể: doanh nghiệp cần nguồn vốn lưu động tức thời có thể trải nghiệm sản phẩm vay tín chấp M-Flash với hạn mức tín dụng lên tới 2 tỉ đồng; M-Power với hạn mức lên đến 15 tỉ đồng không cần tài sản thế chấp) hoặc gói vay M-Supreme cung cấp tín dụng online toàn diện đến 200 tỉ đồng, tối đa 280% giá trị tài sản bảo đảm, kỳ hạn lên tới 7 năm… Các giải pháp này được MSB nghiên cứu và triển khai với các tính năng vượt trội, thực hiện hoàn toàn trực tuyến, sẵn sàng cung ứng nguồn vốn lớn cho doanh nghiệp tăng tốc, đặc biệt là giai đoạn cuối năm.

Phía đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cũng cho biết: “Chúng tôi đã ban hành chương trình lãi suất ưu đãi cho các khách hàng hộ kinh doanh với mức lãi suất từ 5,1% dành cho khách hàng mới, khách hàng hiện hữu; Ban hành lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng vay phục vụ đời sống… Với mức lãi suất từ 6,2%; Dự kiến ban hành chương trình ưu đãi dành cho Doanh nghiệp MSME với lãi suất từ 5,5%. Bên cạnh đó, đối với khách hàng thuộc vùng bão lũ, chúng tôi đã tiến hành gửi danh sách về đơn vị kinh doanh để họ đề xuất mức giảm lãi suất vay cho từng khách hàng phù hợp. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, tránh lợi dụng chính sách để trục lợi. hiện Khối khách hàng doanh nghiệp (CMB) OCB cũng đang có rất nhiều chương trình, nổi bật nhất là ưu đãi giá điều chuyển vốn (FTP). Ngoài ra, đối với các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngắn hạn hay trung dài hạn đều được giảm 1% - 2%/năm so với mức lãi suất thông thường. Khách hàng doanh nghiệp mới và hiện hữu khi cầm cố tiền gửi USD của chính khách hàng tại OCB sẽ được hưởng mức lãi suất vay vốn siêu ưu đãi, chỉ từ 1%-2%/ năm với khoản vay có kỳ hạn từ 3 tuần trở xuống, từ 2,5%-2,8%/ năm cho kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống và từ 3,5%/ năm cho kỳ hạn 6 tháng”.

Những chính sách giảm lãi suất hầu hết đều được các ngân hàng đưa ra kịp thời cho các doanh nghiệp ảnh hưởng do bão. Song, phía các chi nhánh ở các ngân hàng cũng nhanh chóng thẩm định hồ sơ, đánh giá và có thông báo sớm đến các doanh nghiệp cụ thể tỉ lệ giảm lãi suất. Nhằm tạo niềm tin, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng vực dậy sau bão.

Quốc Huy