Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề sau bão

Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề sau bão. Các tài sản lớn như nhà máy sản xuất, máy móc thiết bị, cơ sở hoạt động,... bị hư hại nghiêm trọng. Chưa kể, bão Yagi đi qua đã gây ảnh hưởng gián tiếp đến việc gián đoạn trong sản xuất do tạm ngừng phòng tránh bão, hay phải xây dựng lại cơ sở vật chất sau bão. 

Cũng theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại kinh tế hơn 81.700 tỉ đồng. Các tỉnh thiệt hại nghiêm trọng nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình,...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn thống kê thiệt hại kinh tế do bão Yagi là 61.000 tỉ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra (6,8-7%).

Theo thống kê của thương hiệu thời trang YODY sau bão Yagi, đơn vị này đã bị ảnh hưởng gây thiệt hại lên tới 7 tỉ đồng do: Lật mái nhiều cửa hàng, bay biển quảng cáo, cây xanh đổ gây sập một số cửa hàng... Trong đó, 2 cửa hàng nằm tại huyện Quảng Yên và Uông Bí đều tốc mái, đổ sập và hư hại ước tính lên đến hơn 1 tỉ đồng mỗi cửa hàng. Ngoài ra, một số cửa hàng khác tại Tuyên Quang bị ngập gây thiệt hại lên đến 765 triệu đồng, tại Yên Bái hư hại lên đến 600 triệu đồng đều do bị lũ dâng cao. Còn cửa hàng tại Kim Thành, Hải Dương sập hoàn toàn đổ ra đường gây thiệt hại 300 triệu đồng,... Bên cạnh đó, hàng hóa là quần áo thời trang cũng bị ẩm ướt, hư hại.

leftcenterrightdel
 Nhiều doanh nghiệp bị hư hại nghiêm trọng sau khi bão Yagi đi qua.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang YODY cho biết: “Trên bản thống kê mới dừng lại ở hư hại về tài sản, chưa tính bị thất thoát doanh thu do ngưng trệ trong việc đóng cửa nhiều cửa hàng, nhà máy sản xuất do bão đổ bộ, việc vận chuyển hàng hóa cũng bị tạm dừng do sạt lở, mưa lũ,... Đặc biệt, bị ngưng trệ việc bán hàng ở một số cửa hàng hư hại, phải sửa chữa một thời gian dài. Điều này ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh, giảm doanh thu của doanh nghiệp”.

Trong báo cáo tài chính quý III, nhiều doanh nghiệp phía Bắc cũng đã rơi vào tình cảnh thua lỗ. Nguyên nhân do bão đi qua gây hư hại cơ sở vật chất, khiến doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, bán hàng để sửa chữa, xây dựng. Việc bão qua, mưa lớn gây ngập úng nhiều ngày ở một số tỉnh cũng khiến sức mua của thị trường cũng giảm sút.

Cụ thể trong báo cáo quý III một số công ty đã bị lỗ lớn như: Công ty cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin có doanh thu quý III giảm 61%, khoảng  348 tỉ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn cùng với các loại chi phí phát sinh khiến công ty lỗ 104 tỉ đồng. Nếu tính lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp lỗ hơn 71 tỉ đồng dù cùng kỳ năm trước lãi 68 tỉ đồng sau khi kết thúc tháng 9.

Công ty cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin cũng lỗ hơn 57 tỉ đồng trong quý III trong khi cùng kỳ năm trước lãi 10 tỉ đồng. Doanh thu giảm 26%, đạt hơn 1.230 tỉ đồng…

Ngoài ra, hàng loạt công ty khác cũng hòa vốn, thoát lỗ. Song phải gồng gánh khắc phục hậu quả sau bão, như xây mới cơ sở vật chất do ảnh hưởng bão đã bị sập trước đó. 

Doanh nghiệp đi tìm lời giải trong muôn vàn thách thức, khó khăn

Cơn bão Yagi đi qua không chỉ gây ra sức tàn phá lớn về cơ sở vật chất, mà còn để lại áp thấp gây mưa lớn dài ngày gây ra ngập úng, sạt lở ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Nhiều doanh nghiệp đã phải trông chờ vào sự ổn định của thời tiết để đi vào sản xuất kinh doanh trở lại.

Sau bão nhiều doanh nghiệp đã phải chi những khoản tiền lớn để sửa chữa và xây dựng lại cơ sở vật chất. Đối với thương hiệu thời trang YODY, đơn vị này đã phải sửa chữa hơn 100 cửa hàng ở khắp các tỉnh thành phía Bắc, xây dựng lại 3 cửa hàng tại Quảng Ninh và Hải Dương.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang YODY cho biết: “Chúng tôi đã phải xây dựng lại 2 cửa hàng tại Quảng Ninh và 1 cửa hàng tại Hải Dương. Bên cạnh đó, phải sửa chữa hư hại ở một số cửa hàng khác tại các tỉnh. Chi phí xây dựng và sửa chữa ước tính lên đến khoảng 8 tỉ đồng”.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang YODY.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng phải mua sắm lại máy móc thiết bị ở các tập đoàn về kỹ thuật công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp về nông nghiệp và thủy sản cũng phải đầu tư một số tiền lớn để tái đầu tư nuôi trồng sau khi bão Yagi đã cuốn trôi sản lượng và gây ra ngập úng hoa màu.

Việc vừa bị ngưng trệ trong sản xuất, vừa phải đầu tư một số tiền lớn khắc phục hậu quả sau bão. Nhiều doanh nghiệp cũng phải “kêu than” vì vẫn phải trả lãi suất cao ở các ngân hàng, vừa phải chạy vạy vay vốn để trang trải cho chi phí ở quý IV/2024 và sửa chữa, xây dựng lại cơ sở vật chất sau bão.

Doanh nghiệp chính là nôi thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường, việc đối mặt với nhiều khó khăn thách thức các doanh nghiệp phải đẩy mạnh nội lực thực tại để vươn mình. Song được sự đồng hành của Chính phủ, các cấp, các ngân hàng giảm lãi suất, gia hạn vay và có thêm các khoản tín dụng mới sẽ là bước đà lớn để các doanh nghiệp nhanh chóng về đích trong quý IV/2024.

PV