Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và thị trường bất động sản đóng băng, việc kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào các khu công nghiệp và đô thị là điều không dễ dàng. Vì vậy, thời gian gần đây, nhiều nhà quản lý dự án liên tiếp tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thu hút đầu tư, thế nhưng phía nhà đầu tư vẫn không mấy mặn mà.

 


Theo ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tình hình khó khăn này, việc một tỉnh có khu kinh tế nằm trong tốp 6 khu kinh tế trọng điểm như Quãng Ngãi gặp khó khăn trong thu hút mời gọi nhà đầu tư là chuyện bình thường. Mặc dù Chính phủ có chính sách ưu đãi, có quỹ đất hấp dẫn, đã cấp phép cho 282 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 192.000 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn gần 4 tỷ USD. “Việc gặp khó trong kêu gọi nhà đầu tư ở thời điểm hiện nay của các tỉnh sẽ tạo cho các tỉnh có những cách nhìn mới, những cố gắng mới cho hướng phát triển kinh tế của mình, từ đó sẽ tạo cho các nhà đầu tư có sự tin tưởng vào dự án mà mình sẽ đầu tư”- ông Thắng cho biết. Còn với ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cam kết, sẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng, coi nhà đầu tư vào Quảng Ngãi là công dân Quảng Ngãi…tạo cho nhà đầu tư khi đến làm ăn tại đây có cảm giác như về chính căn nhà của mình.

Và không chỉ riêng Quảng Ngãi đang có nhiều cơ chế “thoáng” nhằm “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, chỉ tính vài tháng gần đây, tại TP.HCM đã diễn ra hàng chục hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư, quảng bá về các dự án, khu đô thị của các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá thì hiện các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn còn khá dè dặt và đắn đo khi đầu tư vào các khu công nghiệp và đô thị.

Cỏ vẫn mọc đầy các khu đô thị

Ngay tại TP.HCM, việc kêu gọi các nhà đầu tư trong thời điểm này cũng đang thực sự là một áp lực lớn đối với giới lãnh đạo thành phố. Điển hình là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành lập từ năm 1996 với tổng diện tích 658 ha và đến nay, việc giải phóng mặt bằng đã xong tới 98%, ngân sách bỏ ra ban đầu chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách TP và vay vốn, nhưng đến nay việc kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào Thủ Thiêm vẫn là một bài toán khó. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lê Dũng, Phó Trưởng ban quản lý dự án Thủ Thiêm thì đến nay ngân sách TP.HCM tạm ứng cho khu đô thị này đã là 9.000 tỷ đồng. Cộng với khoản tiền vay 10.000 tỷ đồng nữa với lãi suất 8%/năm thì mỗi ngày, TP vẫn phải trả 4 tỷ đồng tiền lãi cho các ngân hàng.

Mặc dù Ban quản lý dự án liên tục mở các hội thảo kêu gọi đầu tư cùng những cam kết tạo điều kiện cho nhà đầu tư thì Thủ Thiêm vẫn nằm im lìm cho cỏ mọc. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngoài việc kinh tế khó khăn, đặc biệt là bất động sản đóng băng đã làm giảm cơ hội cho các nhà đầu tư thì trên thực tế, việc các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào các dự án còn có những lý do khác. Ví dụ như hệ thống hạ tầng, đặc biệt là thủ tục hành chính và các dự án trọng điểm thường có giá đất khá cao, hơn nữa nguồn nhân lực của các tỉnh lẻ rất hạn chế và phải đào tạo lại từ đầu khiến các nhà đầu tư đắn đo.

Ông Kim Gwang Ju, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Tư cho biết, dù công ty đang muốn mở rộng nhà máy và đầu tư vào một số dự án nhưng đó thực sự là vấn đề khó và cần phải cân nhắc. Với dự án tại khu công nghiệp Dung Quất, mặc dù công ty đã từng đầu tư và hoạt động tại đây thì việc tiếp tục đầu tư lại càng phải cân nhắc vì nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Không biết sau mỗi hội nghị, hội thảo kêu gọi đầu tư sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư quyết định đổ tiền vào Dung Quất (Quảng Ngãi), Thủ Thiêm (TP.HCM). Và từ đây, các tỉnh sẽ có quyết sách gì mang tính đột phá để có thể “giữ chân” các nhà đầu tư một cách bền vững hơn?
 

Hoa Việt