(BVPL) - Một câu hỏi được giới trong nghề đặt ra: Vì đâu mà từ khoảng 100 doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu khi còn Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) quản lý nay khi “về” Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thì “teo tóp” chỉ còn 2-3 đơn vị có hàng qua được cửa khẩu. Phải chăng, trước đây thị trường dược liệu nói chung, việc nhập khẩu dược liệu nói riêng quá lộn xộn, nay đã “bình yên” hơn?...


Hướng dẫn kiểu… bắn chỉ thiên


Các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu, vị thuốc đông y đang “khóc ròng” khi không được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền “thông quan” hồ sơ nhập khẩu. Kể từ khi Cục ban hành các công văn 189/YDCT-QLC ngày 22/7/2015, 192/YDCT-QLD  và 193/YDCT-QLD cùng ngày 24/7/2015 yêu cầu hàng hóa phải có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và kiểm định chất lượng (C/Q), việc nhập khẩu dược liệu bị tắc. Nhiều đơn hàng của các đơn vị nhập khẩu với bạn hàng bị “treo” lại. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ra nhiều công văn gửi tới các đơn vị nhằm tháo gỡ tình hình song dường như đó chỉ là sự… lấp liếm cho việc ban hành vội vàng các công văn trên.


Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều đơn vị đang “dở khóc, dở cười” để tìm hiểu thì hầu hết nhận được câu trả lời: Chẳng biết hồ sơ thiếu cái gì và công văn của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền gửi cho họ hướng dẫn không khác gì kiểu… bắn chỉ thiên. Nghĩa là cái gì cũng ở “trên trời”, rất chung chung khiến doanh nghiệp tưởng như đang chơi đèn cù. Yêu cầu doanh nghiệp khi nhập khẩu dược liệu phải có C/O, C/Q, thế nhưng làm thế nào để “xin” cái giấy đó lại không hướng dẫn. Chính bà Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Trần Thị Hồng Phương cũng từng thừa nhận điều này trên báo chí.


Sai mà không sửa, lại tiếp tục sử dụng những văn bản ấy để “siết” quản lý thị trường dược liệu, vị thuốc đông y khiến các doanh nghiệp “tức thở”. Khi hàng chính ngạch không thể về được thì đương nhiên việc buôn lậu theo đường tiểu ngạch sẽ bùng phát để “lấp đầy” nhu cầu sử dụng ở trong nước.


Vừa đá bóng, vừa thổi còi


Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) từng có Công văn số 189 đề nghị Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị nhập khẩu dược liệu khi thông quan phải xuất trình hai loại giấy tờ là C/O, C/Q. Song hiện lực lượng Hải quan tại cửa khẩu không có cán bộ chuyên môn về y dược. Do đó, khi thấy doanh nghiệp thực hiện đủ thủ tục theo quy định thì cơ quan Hải quan thực hiện các bước thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm có tương đồng với giấy chứng nhận không thì cơ quan Hải quan không thể kiểm soát.


Lãnh đạo hải quan Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) - nơi nhập khẩu chủ yếu dược liệu vào Việt Nam - cho biết việc kiểm tra C/Q khó khăn hơn nhiều so với kiểm tra C/O. Vì vậy, khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các ngành chuyên môn phải chịu trách nhiệm thẩm tra chất lượng, chủ yếu qua khâu hậu kiểm để tạo điều kiện thông thoáng khi thông quan. Như vụ, việc thẩm tra chất lượng do Cục Quản lý Y dược cổ truyền thực hiện.


Chính vì “rối” nên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Chi Ma từng phải có công văn số 562/HQCM-NV ngày 02/8/2015 gửi Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Cục phối hợp giám sát hàng hóa của Công ty TNHH Thiên Ân Dược - Chi nhánh Bắc Ninh. Theo đó, toàn bộ hàng hóa được tạm giải phóng về kho của doanh nghiệp và Cục thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa và thông báo cho Chi cục để làm cơ sở thông quan theo quy định. Rõ ràng, việc thực hiện thông quan này làm mất thời gian, thậm chí cả chi phí cho các cơ quan hữu quan, bởi vì thay vì ở ngay cửa khẩu nay lại về tận Bắc Ninh. Đấy là chưa kể những vấn đề phát sinh mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong kỳ sau


Tuy nhiên, dư luận cho rằng Cục Quản lý Y dược cổ truyền là cơ quan nhà nước cấp xác nhận nguồn gốc xuất xứ dược liệu cho doanh nghiệpnay cũng cũng chính cơ quan này lại là đơn vị đứng ra kiểm tra chất lượng dược liệu khi nhập khẩu là chưa khách quan, có tính chất “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Hơn nữa, theo Luật công chứng,chứng thực thì  Cục Quản lý Y dược cổ truyền có chức năng và khả năng để thực hiện việc này không?


Phải chăng việc đặt nhiều “rào cản”, xin xác nhận nhiều lần làm tăng thêm các thủ tục hành chính trái quy định pháp luật là Bộ Y tế và Cục Quản lý Y dược cổ truyền muốn xây dựng luật riêng?


Tắc trách hay… “đắc sách”


Theo thông tin hậu trường, việc hầu hết các doanh nghiệp không được Cục Quản lý Y dược cổ truyền “thông quan” hồ sơ nhập khẩu là bởi quan điểm giá rẻ không thể có hàng chất lượng cao. Nhưng nếu đúng thế thì chỉ là “lý sự cùn” bởi lật đi, lật lại thì chính Cục Quản lý Y dược cổ truyền yêu cầu bằng các văn bản phải có C/O, C/Q. Phải chăng “cái tay lại vả cái miệng”?


Không biết vai trò của Bộ Y tế ở đâu trong câu chuyện này bởi Vụ Pháp chế của Bộ từng có văn bản “tuýt còi” các công văn 192, 193 của Cục Quản lý Y dược cổ tuyền. Ngay cả Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 6/3/2016 cũng xác định “yểu mệnh” khi đến ngày 1/7/2016  tất cả các qui định và điều kiện về sản xuất kinh doanh được qui định tại các Thông tư hết hiệu lực. Thế nhưng lãnh đạo Bộ vẫn làm ngơ, không có động thái gì khiến các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu chỉ còn biết... than trời.


Vì quyền lợi người tiêu dùng và bệnh nhân, việc siết chặt quản lý chất lượng dược liệu là hợp lí. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nên thống nhất, tìm giải pháp để việc nhập khẩu dược liệu vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan, nhưng lại vừa đảm bảo khách quan, minh bạch. Song phải chăng đằng sau của câu chuyện trên là vấn đề lợi ích nhóm…?


Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả vào kỳ sau.                                                     


Việt Hà

 

.