Khi cựu chiến binh làm ông chủ
Cập nhật lúc 10:59, Thứ tư, 20/05/2015 (GMT+7)
Là một người lính xuất ngũ về làm kinh tế nên ông Phan Xuân Thường, chủ doanh nghiệp (DN) Bình An Thịnh (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) khá quyết đoán trong xử lý công việc, nhờ vậy đã đưa DN vượt qua nhiều sóng gió. Ông khai thác triệt để thế mạnh "tinh thần người lính" của mình trong làm ăn. (xưởng sản xuất, cựu chiến binh, ông chủ)
Là một người lính xuất ngũ về làm kinh tế nên ông Phan Xuân Thường, chủ doanh nghiệp (DN) Bình An Thịnh (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) khá quyết đoán trong xử lý công việc, nhờ vậy đã đưa DN vượt qua nhiều sóng gió. Ông khai thác triệt để thế mạnh “tinh thần người lính” của mình trong làm ăn.
Theo ông Thường, mùa hè năm nay lượng đơn hàng giảm sút thấp nhất từ trước tới nay, hiện hợp đồng sản xuất chỉ bằng 1/5 so với những năm trước. Theo phân tích của ông, hợp đồng bị giảm sút hiện nay ngoài lý do vào mùa thấp điểm (mùa hè người dân các nước châu Âu thường đi du lịch, ít mua sắm) thì việc đồng Euro bị mất giá so với USD là nguyên nhân chính. “Đồng Euro mất giá đã đẩy giá tiêu dùng ở các nước châu Âu lên cao, khách hàng nhập khẩu qua châu Âu yêu cầu DN sản xuất giảm giá, nhưng với giá hiện nay đã là thấp nhất rồi, không thể giảm hơn được nữa. Nhiều khách hàng đã tìm đến nhà cung cấp Trung Quốc do nguồn nguyên liệu rẻ hơn nên đáp ứng được mức giá thấp hơn so với DN Việt Nam sản xuất” - ông Thường chia sẻ.
Cơ hội lúc khó khăn
Hơn 10 năm lăn lộn với nghề này, những lúc cao điểm, DN Bình An Thịnh xuất hàng trị giá khoảng 5 tỷ đồng/tháng, chưa tính hàng gia công cho các đơn vị khác. Thế mạnh của DN là làm khung sắt cho các sản phẩm để đan dây nhựa, là đối tác gia công khung cho nhiều DN đan hàng xuất khẩu lớn khác trong và ngoài tỉnh.
Ông Thường nhớ nhất là thời điểm năm 2007, 2008, khi tình hình kinh tế thế giới bị khủng hoảng kéo theo hàng loạt công ty bị phá sản, trong đó có nhiều DN ngành đan lát xuất khẩu. Tuy nhiên, chính lúc đó lại là cơ hội phát triển của DN. Ông Thường cho hay, phần lớn các DN lúc đó sử dụng vốn vay với lãi suất cao dẫn đến chi phí cao, giá thành sản phẩm cao, khi gặp khủng hoảng nguồn hàng không tiêu thụ được, không thể cầm cự nổi đã sụp đổ. Trong khi đó, ông không phải sử dụng nguồn vốn vay và điều này trở thành một lợi thế lớn. Ông kể, những năm đó khi giá sắt nguyên liệu xuống thấp, ông đã cho mua tích trữ số lượng lớn (sắt chiếm gần một nửa giá thành sản phẩm) và cho xây dựng mở rộng nhà xưởng sản xuất. Nhiều người ngạc nhiên không hiểu nổi quyết định của ông, bởi khi ấy mọi người đều lo giữ vốn, không dám đầu tư. Đúng như tính toán của ông, đó là thời điểm đầu tư đã mang lại hiệu quả nhất cho DN, vì tất cả các chi phí đều thấp. Điều quan trọng nữa, trong thời điểm khó khăn nhiều DN phải “bỏ của chạy lấy người”, sức cạnh tranh giảm cũng trở thành một lợi thế.
Theo Báo Đồng Nai
.