Đây là chủ đề cuộc Hội thảo do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức vào ngày 05/10 tại Tp.CầnThơ. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn và Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý dự và chủ trì hội thảo.
 
Tham dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Tỉnh, thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ; đại diện Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, BHXH và Hội Nông dân 14 tỉnh, thành phố;...
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ ngành, các cơ quan đoàn thể, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Ngành BHXH, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số NLĐ tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BH thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số, thì kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Đây là một thách thức lớn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
 
Đặc biệt trong đó phải nhắc tới khu vực Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL), với dân số khoảng 18 triệu người (chiếm khoảng 21% dân số cả nước), so với yêu cầu và tiềm năng của vùng đất được coi là trù phú nhất Việt Nam, thì công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người dân tại khu vực này còn gặp nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT, cũng như số NLĐ tham gia BHXH của ĐBSCL đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đa số những người dân ĐBSCL dường như chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng BHYT.
 
Đâu là nguyên nhân của hiện trạng này?Tìm ra nguyên nhân và làm thế nào để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT để người dân ĐBSCL có được nhận thức đầy đủ hơn về tính ưu việt, nhân văn, sự thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT. Từ đó giúp người dân kịp thời nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ khi chẳng may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống, là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi gia đình, cũng như đối với cả khu vực. Đây cũng chính là mục tiêu hội thảo lần này hướng tới./.
 
P.V