TX. Gò Công là đô thị trung tâm khu vực phía Đông của tỉnh, có tổng diện tích tự nhiên 10.198 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 7.338 ha (chiếm 72%). Cơ cấu kinh tế hiện nay của thị xã là thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Song, nông nghiệp vẫn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn hiện nay.

 


Khắc phục nhược điểm trên, thông qua đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP” đã hình thành THT Rau an toàn Thuận Hòa với 28 hộ, diện tích 6,08 ha sau đó được mở rộng chứng nhận lên 9,14 ha; đã thu hút các đối tác ở TP. Hồ Chí Minh đến tiêu thụ sản phẩm. Với mô hình này, việc tổ chức sản xuất được quản lý chặt chẽ hơn, chất lượng sản phẩm ổn định hơn (do yêu cầu của đối tác sản phẩm phải được chứng nhận VietGAP); sản phẩm được tiêu thụ ổn định hơn (do được ký hợp đồng ổn định với giá sàn cho mỗi loại sản phẩm).

Với mô hình hoạt động của THT Thuận Hòa đã giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/1.000 m2 cho mỗi đợt thu hoạch (mỗi năm có từ 8 - 10 đợt thu hoạch, tương ứng mức thu nhập 36 - 50 triệu đồng/1.000 m2/năm).

Tuy nhiên, do số chủng loại rau màu được chứng nhận VietGAP còn ít (do tập quán, điều kiện vùng trồng có ít chủng loại) nên khi đối tác yêu cầu mở rộng chủng loại thì tổ hợp tác không đáp ứng được. Để giải quyết vấn đề này cần mở rộng những vùng trồng rau khác.

Cây sơri được xác định là cây đặc sản nên được tập trung quan tâm thông qua Chương trình sản xuất sơri an toàn của UBND TX. Gò Công và Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây sơri Gò Công của UBND tỉnh. Nhờ đó, cây sơ ri hiện đã chặn đứng được dịch ruồi vàng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể sơri Gò Công; hình thành HTX Sơri Gò Công, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.

Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm sơri hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu đối tác cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm và chưa mở rộng được địa bàn tiêu thụ. Mặt khác, việc thông tin quảng bá về sản phẩm sơ ri Gò Công cũng còn rất nhiều hạn chế.

Xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, qua đó hình thành HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công và đã tạo ra sản phẩm “Gà ta Gò Công” có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Đây là HTX đầu tiên đã xây dựng được quy trình khép kín trong chăn nuôi từ cung cấp đầu vào (cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật) và bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX.

Hiện nay, HTX đã hình thành các THT vệ tinh trên địa bàn xã Bình Xuân, Bình Đông và tới đây mở rộng ở xã Tân Trung. Định hướng của thị xã là phát triển đô thị, trong quy hoạch chăn nuôi của tỉnh là không quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn thị xã, nên mô hình liên kết giữa HTX và các THT chăn nuôi (liên kết các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ) vừa bảo đảm điều kiện chăn nuôi theo quy định, vừa bảo đảm đủ sản phẩm cung cấp cho đối tác. Mô hình này đã tạo ra hiệu quả cho hộ chăn nuôi và thành viên HTX (1.000 con sau 4 tháng thu lãi 20 triệu đồng).

Từ thực tế hoạt động các mô hình liên kết trong nông nghiệp thời gian qua có thể đúc kết một số vấn đề cơ bản. Để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn nhất thiết phải xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn về quản lý chất lượng cho từng loại cây trồng. Qua đó, hình thành chuỗi giá trị cho từng loại cây trồng cụ thể.

Mỗi mô hình có những ưu, khuyết điểm khác nhau, song về cơ bản hiện nay nó đã hình thành nền tảng và tạo điều kiện cho kinh tế nông thôn phát triển. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời là cơ sở để nâng cao các tiêu chí khác. Khi xây dựng vùng trồng, cần quan tâm đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho từng loại cây trồng một cách hợp lý…


Theo Báo Ấp Bắc

.