(BVPL) - Liên quan đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, Quốc hội đã vừa ban hành 02 Nghị định (NĐ) hướng dẫn gồm: NĐ 78 ngày 15/9/2015 hướng dẫn đăng ký các thủ tục hành chính về đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký nội dung thay đổi liên quan đến doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và NĐ 96 ngày 19/10/2015 hướng dẫn chi tiết thi hành 4 Điều (Điều 10, Điều 44, Điều 189 và Điều 208) của Luật Doanh nghiệp.
 


Điều đặc biệt của Luật Doanh nghiệp 2014 là thay đổi về phương thức quản lý đối với con dấu. Theo đó, Luật DN quy định rõ số lượng con dấu do doanh nghiệp quyết định trên cơ sở đảm bảo con dấu có hai nội dung tối thiểu là tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thì quy trình khởi sự kinh doanh của nước ta hiện nay (tính theo các quy định trước ngày 1/6/ 2013) bao gồm 10 thủ tục, mất 34 ngày và xếp hạng thứ 125/189 quốc gia. Theo tính toán của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, dự báo thay đổi của Luật doanh nghiệp 2014 sẽ giúp cho chỉ số gia nhập thị trường nước sẽ tăng khoảng 50 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới; sẽ xếp hạng khoảng 60 trên 189 quốc gia; quá trình khởi sự kinh doanh ở nước ta sẽ còn 5 thủ tục và kéo dài khoảng 17 ngày.

Một điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014 là bổ sung toàn bộ nội dung của chương IV về Doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhà nước. Việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước và bổ sung thêm về doanh nghiệp nhà nước vào Luật Doanh nghiệp 2014, theo Viện trưởng Phan Đức Hiếu là nhằm các mục tiêu đảm bảo đối xử công bằng và bảo vệ tốt hơn lợi ích của các cổ đông khác trong doanh nghiệp mà nhà nước không sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo đó, tạo thêm hấp dẫn cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Một điểm mới của Luật doanh nghiệp 2014 nữa đó là đã bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) để luật hóa, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội như một phương thức mới và bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Doanh nghiệp xã hội được xác định là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động với tôn chỉ và mục tiêu nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường trong suốt quá trình hoạt động; phần lớn lợi nhuận (ít nhất 51% lợi nhuận) hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như đã đăng ký.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp xã hội là khái niệm tuy còn mới mẻ ở nước ta nhưng là một phong trào phát triển mạnh mẽ trên thế giới, như ở Anh, Mỹ, Ấn Độ, Bangladesh và các nước trong khu vực ASEAN như: Thái Lan, Singapore, Indonesia. Ở Anh số lượng doanh nghiệp xã hội đã lên tới 55.000 doanh nghiệp, đạt 27 tỷ bảng doanh thu, đóng góp 8,4 tỷ bảng/năm cho GDP, sử dụng 475.000 lao động, chiếm 5% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp. Ở những nước này, doanh nghiệp xã hội đã chứng minh được thế mạnh của mình trong việc phát huy các sáng kiến xã hội, tăng cường tính bền vững của các giải pháp xã hội thông qua các nguyên tắc và động lực thị trường, là một công cụ hiệu quả bổ sung cho Nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.
 

PV

.