"Nhìn hình ảnh những công nhân nhà máy thép thất nghiệp trong bộ đồng phục công ty đã sờn vai nay phải chạy xe ôm, bán hàng rau hàng cỏ ở chợ để kiếm sống mưu sinh mà đau xót quá"- lãnh đạo Công ty Thép Việt – Úc xót xa.

Cải tiến công nghệ hay "tận thu"?

Là lãnh đạo doanh nghiệp thép lớn ở Hải Phòng, ông Lại Quang Trung – Phó tổng giám đốc Công ty Thép Việt – Úc tỏ ra xót xa khi bắt gặp hình ảnh những công nhân nhà máy thép tại đây bị mất việc phải tìm kiếm công như xe ôm, buôn bán ngoài chợ để mưu sinh cuộc sống. Ông Trung cho hay, từ đầu năm tới nay chỉ riêng tại Hải Phòng đã có 4 doanh nghiệp (DN) luyện thép công suất 1 triệu tấn phải đóng cửa, 3 DN cán thép công suất 60.000 tấn cũng đã ngừng hoạt động, chưa kể một số khác đang hoạt động cầm chừng. Với chừng ấy DN ngừng sản xuất kinh doanh thì có khoảng 2000 lao động cũng bị "đẩy" ra đường.

"Nhìn hình ảnh những công nhân nhà máy thép thất nghiệp trong bộ đồng phục công ty đã sờn vai nay phải chạy xe ôm, bán hàng rau hàng cỏ ở chợ để kiếm sống mưu sinh mà đau xót quá"- lãnh đạo Công ty Thép Việt – Úc xót xa.

Theo ông Trung, doanh nghiệp ngành thép "chết" là do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó là do giá điện bán cho ngành thép đã quá cao, tới đây nếu còn tăng thêm 2-16% như Dự thảo về cơ cấu giá điện thì mang tính chất "tận thu", "phân biệt đối xử" và càng thể hiện sự độc quyền của ngành điện.

 

Ngành thép không phải là nguyên nhân gây thiếu điện, Vì thế, nếu tăng giá bán điện sẽ khiến ngành thép rơi vào cú sốc kép
Ngành thép không phải là nguyên nhân gây thiếu điện, Vì thế, nếu tăng giá bán điện sẽ khiến ngành thép rơi vào cú sốc kép


Dự thảo lần 3 về cơ cấu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công thương hoàn thiện đưa ra lấy ý kiến, trong đó đề xuất giá bán điện cho các ngành sản xuất như thép, xi măng sẽ tăng từ 2-16% so với trước đây đã ngay lập tức "vấp" phải ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp hai ngành này.

"Nếu DN thép đóng cửa thì khoản thiệt hại với ngành điện không phải là nhỏ. DN không sản xuất nữa lấy đâu ra tiền đóng tiền điện nợ đọng. Hơn nữa, việc tăng giá điện trong cảnh phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thì càng không thể được.Tăng thu mà giết nguồn thu thì sẽ không có gì để thu"- ông Trung bày tỏ.

Dẫn liệu con số chứng minh sản xuất thép không tiêu tốn nhiều điện năng như đã từng bị "tố" trước đây, ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, hiện mức tiêu thụ điện năng để sản xuất phôi thép vào khoảng 450-500kwh/tấn sản phẩm. "Đây là mức tiêu hao điện trung bình so với các nước trong khu vực ASEAN" – Phó Chủ tịch VSA lên tiếng.

Trước quan điểm cho rằng, việc Bộ Công thương quyết tăng giá bán điện cho ngành thép, xi măng nhằm mục đích "dồn" số DN này vào thế buộc phải đổi mới công nghệ sản xuất, hướng tới thân thiện với môi trường, ông Nghi bày tỏ, "Thật ra DN nào máy móc lạc hậu thì tự thân buộc họ thay đổi, không thì chết. Có những xưởng trước đây tiêu hao dầu 40kg thì giờ đây chỉ còn tiêu hao 25kg trên cùng một đơn vị sản phẩm. Như thế là DN đã nhận thấy tới lúc cần phải thay đổi, đổi mới mình. Giai đoạn này rất khó khăn, nếu tăng giá điện sẽ làm đội thêm chi phí trong bối cảnh đầu ra không tăng".

Không chỉ DN thép bị "dồn vào thế khốn cùng" nếu ngành điện tăng giá bán điện, mà cả ngành xi măng chắc chắn cũng rơi vào thế "ngắc ngoải" khi mà lượng điện tiêu thụ chiếm từ 15-17% trong cơ cấu giá thành của mặt hàng này.

"Tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Theo tôi, nghịch lý đó thì phải chấp nhận nhưng Hiệp hội Xi măng Việt Nam không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác," ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng bức xúc.

Ông Thiện thông tin thêm, các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực, trung bình tiêu tốn 90 - 100 kwh/tấn xi măng.  Cuối năm 2013, dự tính tổng công suất cả nước đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó 68,5 tấn được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng. Chỉ có 1,5 triệu tấn là được sản xuất bằng các lò đứng chưa đảm bảo về mặt công nghệ. Tuy nhiên những lò đứng này theo quy hoạch cũng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2015.

Lộ trình tăng phải cụ thể

Hầu hết các ý kiến nêu lên tại tọa đàm trực tuyến "Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững" do Báo Công Thương tổ chức sáng 24/7, tại Hà Nội đều cho rằng, nếu ngành điện muốn tăng giá bán thì phải có một lộ trình đặt ra cụ thể.

Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thực tế tỷ lệ tiêu hao điện năng của ngành thép, xi măng rất lớn, không phải chỉ 11-12% tổng sản lượng điện sử dụng như các báo cáo đã nêu trước đó.

Trong tổng số 70% điện năng bán ra thị trường trong ngành công nghiệp, trong đó thép và xi măng chiếm tỷ lệ lớn. Tỉ lệ tiêu hao của hai ngành này cũng lớn. Thêm vào đó, rất nhiều đơn vị thép nhỏ lẻ nhập dây chuyền cũ của Đài Loan, Nhật Bản rất tốn điện năng.

"Chúng ta phải xem tỉ trọng chiếm tiêu thụ điện năng của ngành thép, xi măng trong nền công nghiệp là bao nhiêu %. Ảnh hưởng của nó tác động tới ngành điện như thế nào, từ đó mới tính đến việc tăng thêm. Theo tôi mức tăng sẽ thấp thôi, để đảm bảo ngành thép, xi măng phải có trách nhiệm với ngành điện", ông Ngãi nhận định.

Nói về lộ trình khi nào tăng, tăng thế nào là phù hợp, ông Lại Quang Trung nhìn nhận, cần đánh giá khách quan, chính xác, đồng thời phải tính toán, kiểm tra, đánh giá xem công nghệ có phải tiêu hao lãng phí điện hay không? Các doanh nghiệp, hiệp hội cần thống kê tổng hợp, báo cáo trung thực để các bộ, ngành có cơ sở xem xét.

Chia sẻ những vướng mắc của ngành thép, xi măng, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ngành điện, thép và xi măng đều có những khó khăn. Việc tăng giá bán điện cũng là một áp lực để ngành thép, xi măng phải đổi mới công nghệ vốn đã quá lạc hậu, cũ kỹ, tiêu hao năng lượng. Từ năm 2013 trở đi, Bộ Công Thương sẽ không cấp phép cho các dự án mới với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và phải chấp nhận một thực tế là doanh nghiệp nào năng lực cạnh tranh thấp sẽ phải phá sản.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, ngành điện cũng có cái khó của mình khi giá bán luôn thấp hơn giá thành, và ngành điện đang phải chịu lỗ rất lớn, riêng 6 tháng đầu năm điện, than, khí đã lỗ hơn 10.000 tỉ đồng.
 

Theo infonet