Giải quyết tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc: Sẽ có lộ trình, giải pháp cụ thể
Cập nhật lúc 11:59, Thứ sáu, 27/05/2016 (GMT+7)
Những năm gần đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, hết thời hạn làm việc không trở về nước và ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên. Từ tháng 8/2012, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm, lần lượt vào ngày 31/12/2013 và ngày 10/4/2015. Bởi vậy, thông tin Chính phủ Hàn Quốc vừa mở lại thị trường lao động cho Việt Nam đã mở ra cơ hội cho hàng chục ngàn lao động. (lao động , Việt Nam , bỏ trốn , tình trạng, Hàn Quốc, lộ trình, Giải quyết)
Những năm gần đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, hết thời hạn làm việc không trở về nước và ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên. Từ tháng 8/2012, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm, lần lượt vào ngày 31/12/2013 và ngày 10/4/2015. Bởi vậy, thông tin Chính phủ Hàn Quốc vừa mở lại thị trường lao động cho Việt Nam đã mở ra cơ hội cho hàng chục ngàn lao động.
Chia sẻ tại buổi họp báo ngay sau lễ ký kết, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm nay tổng nhu cầu sử dụng lao động ngoài nước của Hàn Quốc là 56.000 lao động, trong đó có 15 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc, bình quân mỗi nước phái cử khoảng 3.700. Con số này phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam trong năm nay là 3.500 lao động. Lao động Việt Nam ở Hàn Quốc được đánh giá thông minh, sáng tạo, nhanh nhạy trong việc tiếp nhận các hướng dẫn của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động Hàn Quốc cũng mong muốn tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng vì tỷ lệ lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp của lao động Việt Nam khá cao nên phía Hàn Quốc khó có thể gia tăng hạn ngạch. Do đó, tại buổi Hội đàm, hai Bộ trưởng mong muốn gia tăng hạn ngạch dành cho lao động Việt Nam nhưng với điều kiện khi mà tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục giảm xuống. Chính vì thế, việc ở lại làm việc quá hợp đồng, cư trú bất hợp pháp của lao động hiện nay đã làm giảm cơ hội của rất nhiều lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.
Nhiều giải pháp được thực hiện
Nhiều giải pháp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc thực hiện nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc như: Áp dụng quy định ký quỹ với người lao động trước khi xuất cảnh; Thành lập Văn phòng quản lý lao động theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc để tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động; Đề nghị chính quyền, đoàn thể tại các địa phương có nhiều lao động ở lại làm việc cư trú không hợp pháp vận động các gia đình thuyết phục người thân trở về nước; Phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc gặp gỡ, tư vấn và vận động lao động trở về nước đúng thời hạn; Triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước sau khi kết thúc hợp đồng trở về; Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động hết thời hạn hợp đồng nhưng ở lại, cư trú và làm việc không hợp pháp. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, có rất nhiều giải pháp đưa ra để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, nhưng quan trọng nhất chính là ý thức tự giác, tự nguyện, tuân thủ pháp luật từ phía người lao động.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, thông thường bản ghi nhớ có hiệu lực 2 năm nhưng nếu Bộ LĐ-TBXH, các địa phương, người lao động triển khai tốt, không bên nào muốn chấm dứt thì mặc nhiên bản ghi nhớ được kéo dài. Tuy nhiên, trong bản ghi nhớ, hai bên khẳng định sẽ có lộ trình và giải pháp giải quyết tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn. Theo đó, sẽ xem xét tạm dừng việc tiếp nhận lao động tại các huyện hoặc tỉnh có tỷ lệ cao về lao động vi phạm, làm việc bất hợp pháp tại thị trường Hàn Quốc.
Mai Hòa
.