(BVPL) - Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng điện của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, trong 10 năm qua mức tăng trưởng trung bình của ngành điện Việt Nam là gần 13%. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống điện và hạ tầng cơ sở điện lực là điều kiện then chốt trong việc phát triển ngành điện của Việt Nam.                
 

 

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đáp ứng nhu cầu điện, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 124 tỷ USD. Và đây sẽ là áp lực rất lớn cho ngành Điện khi khả năng thu xếp vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đáp ứng 20%-30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện.

 

Nhu cầu ngày càng  tăng

Theo thống kê của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện hàng năm do EVN mua và sản xuất năm sau đều cao hơn so với năm trước. Nếu như năm 2009, con số này là 83 tỷ kWh, thì năm 2010 là trên 97 tỷ kWh, năm 2011 là trên 106 tỷ kWh, và đến năm 2013 con số này là gần 128 tỷ kWh, gấp 10 lần năm 1994 - khi mà đường dây 500 KV Bắc Nam bắt đầu đi vào hoạt động. Trong khi đó, tăng trưởng trung bình 15%/năm là mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân thời kỳ 1995 - 2009. Và những năm gần đây, tốc độ tăng trung bình của điện thương phẩm là trên 10% nhưng sản lượng điện thương phẩm đều đạt ngưỡng rất cao. Cụ thể, năm 2009 điện thương phẩm là trên 85 tỷ kWh điện thì đến năm 2013 con số này là trên 115 tỷ kWh.

Ông Đặng Hoàng An, Phó tổng Giám đốc EVN cho biết: Tốc độ tăng trưởng điện cao cũng là kết quả của quá trình CNH, HĐH nền kinh tế của nước ta. Nó cũng thể hiện khả năng tiếp cận điện của người dân vì chúng ta đã nâng tỷ lệ hộ dân có điện lên rất cao, có thể nói là cao nhất trong khu vực. Nhưng mà khi tăng quá cao như vậy cũng có vấn đề đối với nền kinh tế đó là các dây chuyền công nghiệp tiêu thụ điện lớn cũng góp phần làm tăng lượng điện.

Khó thu hút vốn

Thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư cho ngành điện đã được Chính phủ xác định là hướng đi quan trọng. Nhưng để thu hút và phát triển bền vững, ngành điện cần thay đổi lại cấu trúc theo hướng công khai và minh bạch. Theo kế hoạch vào cuối năm nay, tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 sẽ chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Với công suất 1080MW, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho thị trường 6,8 tỷ KWH điện. Cùng với Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II cũng được khởi công xây dựng vào tháng 9/2011. Nhà máy được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao), gồm 2 tổ máy với công suất mỗi tổ là 560MW và tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Sau khi vận hành hoàn chỉnh cả 2 tổ máy vào năm 2015, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất khoảng 7,6 tỷ kWh điện. Sau 25 năm khai thác, nhà máy sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam.

Theo nhiều nhà phân tích, việc tăng các dự án nhiệt điện BOT nước ngoài là biện pháp giảm bớt gánh nặng về nhu cầu vốn. Nhưng thực tế, nhiều dự án đã phải mất nhiều năm đàm phán, gây trở ngại cho thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần nguồn vốn tự có rất hạn chế, vay vốn nước ngoài lại đòi hỏi phải có bảo lãnh Chính phủ nên việc thu xếp vốn đầu tư bị kéo dài…

Vì vậy, để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện có hai giải pháp chủ yếu là tăng giá điện và vay vốn. Nhưng tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ khó khăn vì gây sức ép đối với doanh nghiệp, người dân cũng như lạm phát, trong khi vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài cũng rất khó.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN cho biết: Truyền tải và nhiều phần khác EVN còn độc quyền, như vậy khó thu hút được các nhà đầu tư khác tham gia.

Gần 5 tỷ USD là con số bình quân mà ngành điện cần đến mỗi năm để đầu tư xây dựng các công trình điện. Trong khi đó, nhiệm vụ đầu tư cho ngành điện chủ yếu vẫn do EVN gánh vác, nhưng Tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên chỉ thu xếp được khoảng 20-30% tổng mức đầu tư. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì: Cần phải minh bạch hóa thị trường cho ngành điện. Chính phủ vừa qua đã làm nhưng còn chậm. Vì thế nên giảm trợ cấp cho ngành điện để tính đúng tính đủ thì nhà đầu tư mới nhìn thấy cơ hội của mình.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đáp ứng nhu cầu điện, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính gần 124 tỷ USD, các dự án điện đang cần một chính sách đặc biệt để giải quyết các mâu thuẫn, đảm bảo nguồn vốn khổng lồ trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
 

Trần Mai

.