Doanh nghiệp Việt trên đường vượt khó
Cập nhật lúc 08:36, Thứ sáu, 07/02/2014 (GMT+7)
Một năm đầy khó khăn, thách thức vừa đi qua, thị trường đã cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp có khả năng chủ động thích ứng bằng hàng loạt điều chỉnh phù hợp để tự cứu mình. Họ đang âm thầm tạo ra những con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Trong một năm nhiều khó khăn, hầu hết doanh nghiệp Hải Phòng đã phải nỗ lực vượt bậc để có thể tồn tại và phát triển. Đối với các doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế trên thị trường, khó khăn cũng là cơ hội tái cơ cấu để vượt lên.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành nhựa Việt Nam từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn nhiều mặt của nền kinh tế, công ty đã phải chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tính đến hết tháng 9/2013, tổng doanh thu của công ty đạt 1.810 tỷ đồng, sản lượng 35.000 tấn sản phẩm. Cũng thời điểm này, Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã chính thức khánh thành nhà máy mới tại khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An), với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Năm 2013 cũng là năm Nhựa Thiếu niên Tiền phong được vinh danh trong top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 của Việt Nam và được vinh danh ở thứ hạng cao của giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2013.
Tại Công ty cổ phần Lisemco, hồi tháng 10/2013 đã diễn ra lễ hạ thủy tàu Hòa Bình 54 với tải trọng 5.300 tấn. Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng của công ty trong năm 2013 đầy khó khăn, khi mà ngành đóng tàu đối mặt cuộc khủng hoảng từ "hiệu ứng Vinashin". Nhưng không như các công ty đóng tàu khác, Lisemco vẫn đang "đi bằng hai chân": bên cạnh đóng tàu, Lisemco cũng là doanh nghiệp sản xuất kết cấu thép có tên tuổi tại Hải Phòng.
Trong chiến lược phát triển của mình, Lisemco đã xác định rõ mục tiêu "không ngừng chinh phục các mục tiêu về chế tạo sản phẩm cơ khí chế tạo bằng tinh thần sáng tạo và cống hiến; đưa thương hiệu Việt Nam về đóng tàu và chế tạo thiết bị ra thế giới; mang lại sự tin cậy cho đối tác và sự thịnh vượng cho các thành viên công ty".
Trên một lĩnh vực khác là kinh doanh các sản phẩm văn hóa, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách TPHCM (Fahasa) chia sẻ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là sách điện tử đã cạnh tranh trực tiếp với các nhà sách truyền thống như Fahasa. Làm thế nào để giữ vững mức tăng trưởng về doanh số, lợi nhuận, thu hút được bạn đọc đến các nhà sách là một bài toán khó. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển của Fahasa với những kế hoạch mở liên tiếp các điểm bán lẻ mới, đạt mức tăng hơn 5% doanh thu và lợi nhuận cũng tăng hơn 10% so với năm 2012, có thể thấy nhà sách truyền thống vẫn có sức cạnh tranh riêng của mình.
Ông Thuận cho rằng, để thu hút và giữ chân khách hàng, ba yếu tố quan trọng nhất chính là có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng được nhu cầu khách hàng, tập trung nguồn lực vào ngành kinh doanh chính và phát triển một đội ngũ chuyên nghiệp. “Với những phương châm kinh doanh như trên, chúng tôi vẫn lên kế hoạch mở thêm 6 nhà sách vào cuối năm và thêm từ 3- 5 nhà sách trong năm 2014. Bởi tôi vẫn tin vào sách truyền thống, người ta không thể ngồi máy tính mãi và việc đi ra trung tâm thương mại, nhà sách để thư giãn là nhu cầu cần thiết”, ông Thuận tin tưởng.
Theo Chinhphu.vn
.