Việc các doanh nghiệp trong nước đặt mục tiêu, đưa ra kế hoạch “thôn tính ngược” các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Thái Lan và Hàn Quốc từng làm không phải là không có cơ sở.
Cuối năm 2014, sau thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Oceanmart, Vingroup đã đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực bán lẻ. Trong vòng chưa đầy 3 năm, hàng loạt các chuỗi ra đời như bán lẻ siêu thị (Vinmart, Vinmart+), bán lẻ điện máy (Vinpro) hay bán lẻ giày dép (VinDS) cùng với đó là trang TMĐT Adayroi đã ra đời.
Tham vọng của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam
Mặc dù mảng bán lẻ của Vingroup còn phải chi chi phí ban đầu cao để trả lương cho nhân viên và thuê mặt bằng nhưng Vingroup tiếp tục cho thấy tham vọng của mình khi chỉ tính riêng năm 2016, Vingroup đã mở thêm 500 cửa hàng bán lẻ. Vingroup đặt kế hoạch mở thêm 1000 cửa hàng trong năm 2017, nâng tổng số lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm nay.
|
Vingroup đang đẩy mạnh mở rộng hệ thống bán lẻ |
Một anh cả khác của ngành bán lẻ Việt Nam là Saigon Co.op năm 2016 đã đạt doanh số 28.000 tỷ đồng. Năm 2017, Saigon Co.op đặt mục tiêu tổng doanh số tăng 13%, đồng thời mở mới 8-10 Co.opmart, 1 Co.opXtra, 1 Sense City, 65 Co.op Food và 500 cửa hàng Co.opSmile.
Nhưng vươn lên mạnh mẽ hơn cả là Thế giới Di động với doanh thu đạt 44.000 tỷ đồng trong năm 2016, lợi nhuận sau thuế đạt 1.500 tỷ đồng. Thế giới Di động đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Đưa ra những ví dụ như vậy để thấy rằng, thị trường bán lẻ dù đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt và đứng trước “nguy cơ” thôn tính của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vẫn ghi nhận sự trỗi dậy của các doanh nghiệp trong nước.
Giấc mơ có thực
Năm 2016 đánh dấu một năm đầy biến động của thị trường bán lẻ Việt Nam. Sau khi Aeon của Nhật Bản thâu tóm Fivimart và Citimart. Đến lượt Tập đoàn TCC hoàn tất việc mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 đại siêu thị và các bất động sản liên quan với tổng trị giá 655 triệu Euro. Tiếp đến Central Goup giành thắng lợi trong thương vụ mua lại hệ thống BigC với mức giá 920 triệu euro.
Cùng với xu hướng M&A đang diễn ra phổ biến trên thị trường bán lẻ thì hàng loạt thương hiệu nội đã biến mất khỏi thị trường như Topcare, Hiway Supercenter, Citimart, G7 Mart,…
Với quy mô dự báo trên 180 tỉ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Đáng chú ý hơn, năm 2016, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Võ Văn Quyền khẳng định, gần 97% thị phần bán lẻ của Việt Nam vẫn nằm trong tay các các doanh nghiệp nội. Ngay cả các đại gia nước ngoài, bao gồm Aeon, Lotte, BJC, Auchan, Central Group (chủ mới của BigC)… đến nay chỉ chiếm 3,4% thị phần. Trong số này, thương hiệu BigC nắm thị phần lớn nhất. Đây là động lực, cơ sở để các doanh nghiệp trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường và thúc đẩy cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt.
Năm 2016, Tập đoàn TCC của Thái đã tiến hành mua lại hệ thống kinh doanh Big C tại Thái Lan từ tay Tập đoàn Casino (Pháp). Theo đó Casino đã đồng ý bán phần lớn số cổ phần trị giá 3,5 tỉ USD của tập đoàn này tại Big C cho tập đoàn TCC của Thái Lan. Câu hỏi được đặt ra là trước nguy cơ bị “thôn tính” bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, đã lúc nào các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đặt mục tiêu “thôn tính lại” các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước?
Trao đổi với PV, lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối hàng đầu Việt Nam cho rằng, trong tương lai “viễn cảnh” doanh nghiệp Việt “thôn tính” ngược các tập đoàn bán lẻ tại Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Rất khó nhưng không phải là không thể. Trước TCC của Thái Lan, tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Shinsegae đã mua lại toàn bộ hệ thống 16 cửa hàng của Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ, trên đất Hàn với tổng trị giá hợp đồng chuyển nhượng lên đến 882 triệu USD và đổi tên hệ thống Wal-Mart thành E-mart. Thậm chí, Wal-mart cũng không phải là gã khổng lồ bán lẻ toàn cầu đầu tiên bị đánh bật khỏi Hàn Quốc. Trước đó, tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai thế giới là Carrefour đã ngậm ngùi rút khỏi thị trường Hàn Quốc khi bán hệ thống cửa hàng tại Hàn Quốc cho E-Land, một nhà bán lẻ địa phương với giá gần hai tỉ USD.
Trở lại với câu chuyện tại Việt Nam. Cuối năm 2016, trước thông tin 7- Eleven, chuỗi cửa hàng tiện tích hàng đầu thế giới muốn mua lại Vinmart+ để mở rộng hệ thống 1.000 cửa hàng tại Việt Nam, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup đã khẳng định Vingroup không bao giờ bán thương hiệu Việt, mà cụ thể ở đây là chuỗi Vinmart+ cho nước ngoài. Thứ hai, ở góc độ kinh doanh, càng không bao giờ có chuyện Vingroup bán đi chuỗi bán lẻ đang phát triển tốt - với mục tiêu trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn thứ 2 của Tập đoàn cho bất cứ doanh nghiệp nào.
Một điểm đáng chú ý nữa là phần lớn các tập đoàn bán lẻ vào Nam trong thời gian vừa qua đều rất khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận. MM Mega Market(trước đây là Metro Cash & Carry Việt Nam) 12 năm liên tiếp báo lỗ. Hay Lotte Mart kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2007 và có doanh thu tại Việt Nam thì công ty liên tục chìm trong thua lỗ. Mới đây nhất, năm 2016, công ty đạt doanh thu 5.137 tỷ đồng nhưng lỗ tới 261 tỷ đồng.
Cách đây không lâu, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã đề xuất thành lập một Tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam trên cơ sở các tập đoàn tổng công ty Nhà nước hàng đầu hiện tại. Ước tính, nếu được xây dựng tập đoàn này sẽ có quy mô doanh thu từ 4 đến 5 tỷ USD mỗi năm. Có thể hiểu đây như một đối trọng với các tập đoàn phần phối bán lẻ nước ngoài.
MM Mega Market, BigC, Lotte Mart, Aeon Việt Nam… đang là những thế lực bán lẻ tại Việt Nam với hàng loạt kế hoạch phát triển được đưa ra. Và giữa rất nhiều những lo ngại, dự báo về khả năng thị trường bán lẻ Việt Nam “rơi” vào các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thì việc suy nghĩ tích cực theo hướng ngược lại để đặt mục tiêu cho sự phát triển là cần thiết và hoàn toàn có cơ sở. Doanh nghiệp trong nước thâu tóm tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, bây giờ có thể là giấc mơ nhưng trong tương lai, đừng là giấc mơ, hãy hiện thực mục tiêu.
Theo Phan Nam/Enternews